Mạng xã hội Việt nở rộ: Cơ hội nào để tồn tại?

ANTD.VN - Trong năm 2019, một hiện tượng khá bất ngờ xuất hiện, là khi hàng loạt mạng xã hội do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được giới thiệu ra thị trường. Rất nhiều lời quảng cáo có cánh, cùng những mục tiêu lớn được đưa ra. Nhưng liệu những mạng xã hội đó có cơ hội nào trước một Facebook chưa hề có dấu hiệu thoái trào?

Điểm cốt tử của mạng xã hội là người dùng

Liên tục trong vài tháng qua, hàng loạt mạng xã hội (MXH) mới "made in Vietnam" được giới thiệu ra cộng đồng. Mỗi MXH đều đi kèm những lời quảng bá có cánh, về các tính năng kết nối, chia sẻ, cùng những mục tiêu lớn lao về lượng người dùng sẽ đạt được sau vài năm nữa.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là điểm nhấn trong chiến lược thu hút người dùng thì chưa hề xuất hiện. Ai cũng hiểu rằng, điểm cốt tử để một MXH có thể tồn tại và phát triển chính là số lượng người dùng. Khi nhắc tới một MXH mới, người ta dễ liên tưởng về Google+ và những gì đã diễn ra...

Mạng xã hội Google+ bị thất bại trên phạm vi toàn cầu là một bài học đắt giá cho những nhà phát triển nền tảng MXH

Được gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới phát triển, có nền tảng là cộng đồng người dùng đông đảo trên các dịch vụ lõi từ trước, nhưng Google+ vẫn bị hoài nghi. Bởi thế, khi ra mắt, người ta đã đếm số lượng người dùng tham gia Google+ hằng ngày, và cũng không ngừng so sánh với số lượng "người dùng thực sự" (active user) - là những tài khoản thực sự hoạt động.

Vậy nhưng, người dùng MXH nói chung, và người dùng MXH tại Việt Nam nói riêng, đều có chung một đặc điểm: Phần đông tỏ ra ít quan tâm tới lĩnh vực công nghệ (thể hiện qua lượng đọc mảng thông tin công nghệ luôn ở mức thấp), từ đó dẫn tới tâm lý ngại thay đổi.

Facebook "đủ dùng", trong khi người sử dụng lại mang tâm lý ngại thay đổi, nên bất kỳ MXH mới nào cũng khó cạnh tranh, nếu không thực sự có chiến lược đột phá

Chính vì điều đó, Google+ đã có bước nhảy vọt về lượng người dùng chỉ trong một thời gian ngắn ra mắt. Nhưng rồi tất cả chỉ dừng ở mức độ "thử cho biết", và dù được quảng cáo có hàng loạt tính năng thú vị, hấp dẫn, nhưng MXH vẫn không đủ sức giữ chân người dùng, ngay cả khi họ đã thử tạo tài khoản.

Tâm lý ngại thay đổi, cộng với việc họ vẫn đang cảm thấy hài lòng với Facebook, khiến những MXH khác ra đời sau - dù có thể ưu việt hơn - vẫn chưa thể nào thách thức được vị thế của MXH số 1 thế giới.

Tại Việt Nam, Twitter không có "đất" phát triển, dù bên Mỹ, ứng dụng này phổ biến tới mức Tổng thống Mỹ còn có biệt danh là "vị tổng thống Twitter" (do ông Donald Trump đặc biệt yêu thích việc tweet, và thường xuyên công bố thông tin qua MXH này). Đơn giản, vì người dùng Việt quá ngại thay đổi, khi đang rất hài lòng với Facebook.

Thị trường MXH ở Việt Nam từng có "cơ hội vàng" để bứt phá

Trước khi Facebook trở nên phổ biến tại Việt Nam, có thể coi blog Yahoo! 360 là nền tảng MXH được ưa thích nhất. Dù dịch vụ blog này vẫn tồn tại nhiều lỗi, song không một nền tảng nào của Việt Nam khi đó có thể thách thức. Nhờ cộng đồng người dùng đông đảo, những điểm nhược của Yahoo! 360 dễ dàng được chấp nhận.

Hình ảnh có thể khiến nhiều người xúc động, bởi Yahoo! 360 từng là một "mạng xã hội" được yêu thích tại Việt Nam, dù tồn tại nhiều hạn chế

Cho tới khi nhà cung cấp Yahoo! quyết định ngừng dịch vụ (vì không tìm ra cách khai thác lợi thế từ cộng đồng người dùng đông đảo - một quyết định bị cho là "không thể hiểu nổi"), người dùng MXH Việt Nam loay hoay chuyển sang các nền tảng thay thế. Yahoo! 360 Plus (phiên bản nội địa của Yahoo! 360), Yahoo! Mash (không rõ sản phẩm thử nghiệm này có mục đích gì), Blogspot, Wordpress... đều không làm hài lòng người dùng Việt Nam, vì họ không tìm thấy sự dễ dàng trong việc chia sẻ.

Facebook xuất hiện, khai thác "cơ hội vàng" để trở thành nền tảng MXH được yêu thích nhất tại Việt Nam. Khi đó, ấn tượng của người dùng về một MXH "made in USA" là sự đơn giản, kết nối dễ dàng và thuận tiện, "có vẻ" bảo mật, và đặc biệt là sự cam kết về việc lưu trữ, bảo quản dữ liệu của người dùng. Cần nhớ rằng, khi Yahoo! 360 đóng cửa, toàn bộ dữ liệu được xem như báu vật của người dùng (bài viết, hình ảnh...) đã bị mất, dù trước đó, họ nhắc người dùng lưu trữ lại (sau khi lưu thì sẽ đăng lên đâu?).

Nếu các MXH đồng loạt xuất hiện sau khi Yahoo! 360 thoái trào, có thể MXH "vua" ở Việt Nam sẽ không phải là Facebook

Tóm lại, thị trường MXH ở Việt Nam từng có một giai đoạn "cơ hội vàng" để các nhà phát triển khai thác. Nếu khi đó, những MXH hiện nay xuất hiện, có lẽ Facebook đã không dễ dàng độc chiếm sân chơi này như vậy.

Cơ hội nào cho MXH Việt bứt phá?

Với hàng loạt khó khăn như đã đề cập ở trên, liệu những MXH mới ở Việt Nam có cơ hội nào để bứt phá?

Để trả lời câu hỏi này, hãy nhìn vào thị trường dịch vụ taxi công nghệ: Khi cuộc chơi chỉ còn trụ lại một hãng lớn duy nhất, hãng khác nhập cuộc và bị hoài nghi về khả năng cạnh tranh. Hãng mới đã nhanh chóng đưa ra chính sách lôi kéo lái xe (điều tiên quyết muốn phát triển): Cơ chế quản lý được áp dụng hợp lý hơn, và quan trọng nhất là mức thưởng - lái xe nào chạy được 30 chuyến/ngày thì sẽ được thưởng thêm 1 triệu đồng, bên cạnh tiền ăn chia thôgn thường. Vậy là nếu một lái xe chăm chỉ để "săn" thưởng, thì họ có thể thu được khoảng 50 triệu đồng/tháng, trong suốt thời gian treo thưởng. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng lái xe chuyển sang hãng mới tăng vọt, trong đó có không ít người từ "hãng lớn duy nhất" ban đầu.

Với cơ chế linh hoạt, trả phí cho hiệu quả nội dung, và kiếm nguồn thu từ các khoản khai thác nền tảng, YouTube trở thành "MXH video" đầy sức mạnh

Kịch bản trên hoàn toàn đúng cho thị trường MXH: Nếu nền tảng mới ra mắt có cơ chế thưởng xứng đáng cho các nội dung chất lượng, hoặc những tài khoản chất lượng (được chia sẻ nhiều, tương tác tốt, có giá trị tích cực tới cộng đồng), thì chắc chắn người dùng sẽ tìm tới. Tương tự như MXH video YouTube, dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng lượng người quan tâm và sáng tạo nội dung mới vẫn đang tăng trưởng mỗi ngày.

Nếu ai đó phản biện rằng, như vậy thì quá tốn kém, xin trả lời rằng: Kinh doanh một nền tảng công nghệ như MXH trong cảnh xuất phát chậm chưa bao giờ là việc... ít tiền. Bên cạnh đó, nếu thành công trong việc xây dựng cộng đồng người dùng đông đảo, sẽ không thiếu cách để khai thác và tạo nguồn thu...

*****

Rõ ràng, chẳng ai cấm việc một người dùng đăng ký tài khoản ở các MXH khác nhau. Nhưng không người dùng nào đang sử dụng quen nền tảng A, lại có thể tương tác ở MXH B. Cũng hiếm có người dùng nào có thể tương tác đồng thời nhiều hơn 2 MXH. Vậy nên, muốn có thị phần và lôi kéo được người dùng, những "người chơi" tham gia thị trường MXH tại Việt Nam cần một chiến lược hiệu quả và chi tiết, thay vì chờ đợi phép màu nào đó giúp họ "hạ gục" Facebook.