Làm quen trên Facebook, chiếm đoạt 574 triệu đồng, phạm tội gì?

ANTĐ - Nguồn tin từ Công an tỉnh Hà Nam cho biết, mới đây, cơ quan này đã tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Dương Thị Lê (SN 1988), trú ở thôn An Bàng, xã Lộc Thủy, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế .
Làm quen trên Facebook, chiếm đoạt 574 triệu đồng, phạm tội gì? ảnh 1

Trước đó, chị N.T.H., trú tại phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam có đến Công an tỉnh Hà Nam trình báo về việc chị bị một đối tượng chiếm đoạt 574 triệu đồng. Theo nội dung trong đơn trình báo, vào khoảng tháng 4-2015, chị H. nhận được tin của một người nước ngoài quen trên mạng Facebook thông báo sẽ gửi cho chị H. một gói quà trị giá 45.000 Bảng Anh. Khoảng một thời gian sau, có một phụ nữ tên Lê liên lạc với chị H. và bảo chị H chuyển tiền vào tài khoản của Lê để làm thủ tục giao nhận hàng. Từ tháng 4 đến tháng 5-2015, chị H. đã 7 lần chuyển tiền với tổng số 574 triệu đồng nhưng mãi không thấy nhận được quà.

Tiến hành xác minh, Công an tỉnh Hà Nam đã bắt khẩn cấp Dương Thị Lê khi đối tượng đang lẩn trốn tại ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Tại cơ quan điều tra, ban đầu Lê khai nhận, năm 2012, Lê đi du lịch tại Malaysia và quen 1 người đàn ông tên là Ugo, quốc tịch Nigeria, sau đó hai người thường xuyên liên lạc với nhau. Khoảng cuối năm 2013, khi đã biết rõ về gia đình Lê, Ugo gọi điện đe dọa đến sự an toàn của gia đình Lê và ép Lê cùng với nhóm của Ugo đi lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người phụ nữ Việt Nam.

Thông qua mạng xã hội Facebook, nhóm của Ugo làm quen với một số người phụ nữ Việt Nam bằng tiếng Anh, khi hai bên thân thiết, các đối tượng người nước ngoài sẽ thông báo là chuyển cho bị hại tiền hoặc quà có giá trị để làm quen; sau đó nhóm của Ugo cung cấp thông tin và số điện thoại của bị hại cho Lê để những người này liên lạc và chuyển tiền cho Lê. Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Vụ việc đang được Công an tỉnh Hà Nam khẩn trương điều tra, làm rõ vụ án. Và nếu phạm tội thì theo tội danh nào? Bị xử lý ra sao?

 Ý kiến bạn đọc :

Dương Thị Lê nhận tiền hộ nên không phạm tội

Mọi cuộc trao đổi về tiền bạc đều diễn ra giữa người bị hại là chị N.T.H. với nghi can Ugo, không phải với nghi can Dương Thị Lê. Lê chỉ là người nhận tiền và chuyển cho Ugo, không phải nghi can giả mạo Ugo để tạo tình cảm và sự tin tưởng cho người bị hại.

Thêm nữa, nghi can không hứa hẹn về việc gửi 45.000 Bảng Anh cho nạn nhân, đồng thời, chính nghi can cũng là nạn nhân của nhóm lừa đảo người Nigeria. Theo đúng sự việc như cơ quan điều tra xác định, nhóm Ugo là một nhóm tội phạm chuyên lừa đảo các phụ nữ Việt Nam cả tin mà tham lam. Nhưng nghi can không phạm tội mà chỉ là người buộc phải thực hiện các công việc của nhóm lừa đảo Ugo giao cho. Cơ quan công an phải bắt giữ các nghi can lừa đảo nhóm Ugo về quy án và xem xét cho nghi can
Phạm Bích Hà (Phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)

Phạm tội sử dụng mạng chiếm đoạt tài sản

Mạng xã hội Facebook đã tạo ra một thế giới khác trước, mọi người trên khắp thế giới có thể trò chuyện, làm quen, thậm chí có thể kết đôi với nhau. Tuy nhiên, Facebook cũng là nơi các tội phạm tập trung hành nghề, phổ biến là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nghi can đã thú nhận nằm trong nhóm Ugo chuyên sử dụng Facebook để lừa đảo. Làm quen, lấy lòng tin, tình cảm rồi hứa gửi quà, quá trình gửi quà phát sinh chi phí, người gửi quà phải chi tiền.

Tiền chi ra nhưng quà không thấy đâu. Đây chính là hành vi sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Nghi can đã phạm tội theo Điều 226b, Bộ luật Hình sự, Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản: Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm, phạm tội với những tình tiết nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới chung thân: Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 Nguyễn Thị Thanh (Phường 9, Q3, TP Hồ Chí Minh)

Nghi can Lê đã trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo đúng nội dung vụ án, sau khi nhóm Ugo cho nạn nhân số điện thoại của Lê, Lê đã bịa đặt ra những khoản chi phí như thuế, như các khoản phí, khoản lo lót qua cửa khẩu…để nạn nhân chuyển tiền trực tiếp cho Lê. Do khoản quà biếu đó không có thật, nên các khoản chi để được nhận quà biếu cũng là không có thật.

Như vậy, nghi can Lê đã trực tiếp bịa đặt để lấy lòng tin của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều 139, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định cụ thể về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng trở lên thì phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nghi can Lê đã phạm tội và cần bị truy tố theo tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do tài sản bị chiếm đoạt rất lớn, mới một vụ đã lên tới trên 500 triệu đồng, trong khi nghi can Lê và đồng bọn đã thực hiện rất nhiều vụ tương tự, vì vậy, nghi can Lê sẽ bị xử phạt theo khoản 4, Điều 139, BLHS với mức phạt cao nhất tới chung thân. 

Trần Văn Chiến (Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)

 Bình luận của luật sư 

Theo đúng nội dung vụ án, nhóm Ugo là một nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Con mồi” của nhóm này là các phụ nữ đơn thân nhưng giàu có và muốn có những quan hệ với những đàn ông ngoại quốc.

Sau khi làm quen, lấy được tình cảm, chúng thông báo gửi cho các nạn nhân những khoản tiền lớn và thông báo số điện thoại liên lạc của nghi can Lê. Và kể từ giai đoạn này, nghi can Lê thực hiện tiếp các hành vi như bịa ra các khoản chi phí không có thật cho một món quà không có thật để nạn nhân phải bỏ tiền ra để Lê và nhóm Ugo chiếm đoạt. Đây là một vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản rõ ràng. Tuy nhiên cần xem xét, với vai trò và các hành vi của mình, nghi can Lê có phạm tội không và nếu phạm tội, nghi can Lê phạm tội theo tội danh nào?

Trước khi tìm hiệu về tội danh mà nghi can Lê có thể phạm tội, chúng ta nên bàn một chút về các ý kiến của bạn đọc. Nghi can Lê có phạm tội theo Điều 226b, BLHS với tội danh: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản? Theo tôi không phải vậy.

Những tội phạm lừa đảo làm quen với nạn nhân qua Internet, cụ thể là qua mạng xã hội Facebook, nhưng hành vi phạm tội gồm trao đổi các chi phí giả mạo cho món quà giả mạo lại được nghi can Lê trực tiếp thực hiện với nạn nhân. Việc các nạn nhân chuyển tiền cho Lê để Lê và đồng phạm chiếm đoạt cũng không chuyển qua Internet. Vì vậy, không thể định tội danh: sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản cho nghi can Lê được. 

Hành vi của nghi can Lê là tung tin bịa đặt về món quà không có thật cùng những chi phí không có thật để nạn nhân tin và chuyển tiền cho nghi can Lê để nghi can Lê và các đồng phạm chiếm đoạt. 

Theo đúng các hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:  Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản Đó là dùng thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Lưu ý, thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho kẻ phạm tội.

Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng (như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). 

Đối chiếu với những nguyên tắc pháp luật đó, chúng ta nhận thấy nghi can Lê đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, BLHS với vai trò đồng phạm, trực tiếp thực hiện. Việc xác định vai trò đồng phạm để chỉ vụ án có nhiều người tham gia và nghi can là một trong những tội phạm.

Những lý do để nghi can tham gia nhóm tội phạm chỉ được xét là tình tiết giảm nhẹ nếu xác đáng và có chứng cứ. Ví dụ, phải có chứng cứ nhóm Ugo đe dọa và có khả năng thực hiện lời đe dọa đó thì nghi can Lê mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Như vậy có thể kết luận: Với những dấu hiệu phạm tội, với tình tiết phạm tội có tổ chức, có thể phạm tội nhiều lần, số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng, nghi can Dương Thị Lê có thể bị truy tố theo khoản 4 điều 139 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân. Trước đây, mức phạt cao nhất với khoản 4, Điều 139, BLHS là tử hình, tuy nhiên, theo quyết định của Quốc hội, từ ngày 1-1-2010 tòa án sẽ không tuyên hình phạt tử hình với  tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)