Lái xe cố tình chở người "qua mặt" trạm kiểm soát y tế có bị xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Công an huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát hiện lái xe chở người từ vùng dịch Covid-19 tìm cách “qua mặt” chốt kiểm soát y tế vào Huế. Theo quy định hiện hành, cá nhân này sẽ bị xử lý ra sao?

Thủ đoạn tinh vi

Sau khi nhận thông tin từ người dân cung cấp về việc có một số người từ Đà Nẵng về hai xã Phú Xuân và Vinh Hà có dấu hiệu trốn tránh ly, CAH Phú Vang đã nhanh chóng xác minh và phối hợp đưa những người này đi cách ly theo đúng quy định.

Tại cơ quan công an, các đối tượng này khai nhận đang làm cho 1 tiệm bánh mỳ ở Đà Nẵng. Sau khi ở đây xuất hiện dịch Covid-19, vì quá lo lắng nên họ đã vào Facebook với tên tài khoản “xe ké miền Trung” tìm xe về Huế và liên hệ với một người tên Trương Thanh Minh. Người này đồng ý chở những người này cùng 3 người khác từ Đà Nẵng về Huế với số tiền 1.750.000 đồng.

CSGT làm việc với lái xe vi phạm

Sau đó, Minh đón tất cả 6 người tại đường Nguyễn Trung Trực, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Khi xe chạy đến thị trấn Lăng Cô, Minh thả khách sau chốt kiểm dịch thứ nhất để khách đi bộ theo đường biển, sau đó Minh gọi cho một xe ô tô 7 chỗ khác đợi sẵn và chuyển khách sang xe này và phải trả thêm 250.000 đồng. Xe chở khách vượt qua 2 chốt kiểm dịch, còn Minh điều khiển xe chạy trước, đợi sẵn trước trạm thu phí Phú Bài. Khi đến tại đây, Minh đón khách sang xe mình rồi chạy xe dọc tuyến đường liên thôn, liên xã để tránh trạm thu phí, trạm kiểm dịch và trả khách tại địa điểm khách yêu cầu.

Bằng thủ đoạn này, Minh đã chở 6 người dân này từ vùng dịch Đà Nẵng về Huế không qua kiểm tra y tế tại các chốt kiểm soát dịch. Liên quan đến vụ việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi này để răn đe, giáo dục, đặc biệt là đối với lái xe.

Phạt tới 200 triệu đồng hoặc phạt tù tới 5 năm?

"Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hành vi chở người từ vùng dịch “qua mặt” chốt kiểm soát y tế vào Huế của lái xe là vi phạm pháp luật, vô cùng nguy hiểm.

Căn cứ tính chất, động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi, lái xe chở người từ vùng dịch “qua mặt” chốt kiểm soát y tế có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự" - Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho biết.

Hành vi chở người từ vùng dịch “qua mặt” chốt kiểm soát y tế nhằm trốn cách ly của tài xế là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công văn 45/TANDTC-PC của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.