Lái xe bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Đâm vào anh tôi song lái xe đã bỏ đi. May mắn, anh tôi được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng. Xin hỏi luật sư, pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi nhẫn tâm của người lái xe này?  Đỗ Duy mạnh (Thái Nguyên)

Lái xe gây tai nạn giao thông có trách nhiệm tham gia cấp cứu nạn nhân (Ảnh minh họa)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời: 

Khoản 17, Điều 8 - Luật Giao thông đường bộ quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: “Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm”. Như vậy lái xe gây tai nạn đối với anh bạn đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Hành vi của lái xe có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, do bạn không nêu rõ xe gây tai nạn đối với anh bạn là ô tô hay xe máy, không nêu rõ lái xe có lỗi gì khi gây tai nạn cho anh bạn hay không, nên chúng tôi giả thiết một số tình huống sau.

Tình huống 1: Nếu xe gây tai nạn là ô tô, lái xe có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 5, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể là phạt tiền 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Tương tự, nếu xe gây tai nạn là xe máy, lái xe có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 6, Nghị định này là phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Và trong cả hai trường hợp này, lái xe đều bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2- 4 tháng.

Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VPLS Giang Thanh (Số 197 phố Đặng Tiến Đông,  Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) 

Tình huống 2: Xe gây tai nạn là ô tô hoặc xe máy nhưng có lỗi vi phạm quy tắc an toàn giao thông. Khi đó lái xe có thể bị xử lý hình sự theo Điều 260 - Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” nếu thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Nếu xe gây tai nạn cho anh bạn và hậu quả để lại là một trong các trường hợp nêu trên nhưng lái xe không có lỗi thì cũng sẽ không bị xử lý hình sự mà chỉ có thể bị xử phạt hành chính như nêu ở tình huống 1. Ngoài việc bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, người lái xe còn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bạn theo quy định của pháp luật.