Kỳ tích: Một tuần ghép tạng 16 ca, gần 15 giờ liên tục mổ ghép phổi

ANTD.VN - Sau gần 15 giờ mổ liên tục, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép phổi thứ hai, sau ca ghép đầu tiên vào cuối năm 2018. Đặc biệt, chỉ riêng trong tuần vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện ghép tạng đến 16 ca, điều chưa từng có ở Việt Nam…

Bệnh viện Việt Đức thông tin về "Tuần ghép tạng" với kỳ tích lần đầu tiên ghép tạng 16 ca/ tuần

Chiều nay, 19-8, Bệnh viện Việt Đức đã cung cấp thông tin về ca ghép phổi thứ hai và “Tuần ghép tạng” từ người cho chết não.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, chưa khi nào chỉ trong vòng 1 tuần Bệnh viện Việt Đức tiến hành tới 16 ca ghép tạng, bao gồm cả nguồn tạng từ người hiến sống và người cho chết não.

Cụ thể, từ ngày 12 đến 18-8 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện tới 10 ca ghép tạng từ 2 người cho chết não (một người ở Hải Dương, một người ở Thanh Hóa), gồm: 1 tim, 2 phổi, 3 gan, 4 thận. Đặc biệt, bệnh viện đã phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) chuyển 1 quả tim, 1 gan từ người hiến chết não hiến tặng trong TP HCM ra Hà Nội để ghép cho bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh viện cũng thực hiện 4 ca ghép thận theo kế hoạch và 1 ca ghép gan do người sống hiến một phần gan… Như vậy, tổng cộng đã có 16 người bệnh được nhận và ghép tạng chỉ trong 1 tuần, đến nay kết quả ghép rất tốt.

Đặc biệt, ngày 12-8 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức và thực hiện thành công ca ghép phổi thứ hai từ người chết não hiến đa tạng, sau ca ghép phổi đầu tiên cho một bệnh nhân 17 tuổi được thực hiện vào ngày 12-12-2018.

Bệnh nhân ghép phổi đang hồi phục tốt, tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện

Ở ca ghép phổi vừa qua, người hiến còn trẻ, hiến đa tạng (trong đó có phổi) và các tạng hiến đều có chất lượng rất tốt. Người nhận phổi là ông N.V.K. (38 tuổi, ở Hà Nội), mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối – có chỉ định ghép phổi tuyệt đối.

Người bệnh này khởi bệnh từ khi còn rất nhỏ, 10 năm nay diễn biến nặng, gần đây liên tục nằm viện với máy thở và ô xy hỗ trợ. Ca mổ lấy – ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 16h chiều 12-8 kéo dài đến 6h30 sáng 13-8.

Theo GS Trần Bình Giang, ghép phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Sau mổ 6 giờ bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt, chức năng tim, thận đều trong giới hạn bình thường. Dự kiến bệnh nhân có thể tự thở hoàn toàn trong một vài ngày tới.

Điểm đặc biệt nữa của ca ghép phổi này là lần đầu tiên, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân). Như vậy, có 6 bàn mổ ghép tạng cùng lúc (1 lấy, 5 ghép).

“Điều này đòi hỏi công tác tổ chức phải hết sức tốt, đông đảo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao trên nhiều lĩnh vực, và sự phối hợp đồng bộ của các chuyên khoa – một kỳ tích mà đa số các trung tâm ghép tạng trên thế giới cũng rất khó thực hiện” – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh.

Tính chung trong 10 năm qua (2009-2019), tại Bệnh viện Việt Đức có 57 bệnh nhân chết não hiến tạng, đã tiến hành 25 ca ghép tim, 2 ca ghép phổi, 54 ghép gan, 99 ghép thận. GS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết thêm, hiện nay giá ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng 1/3, 1/4 của thế giới.

Thông tin thêm về tình hình sức khỏe của ca ghép phổi đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức ngày 12-12-2018, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực – Bệnh viện Việt Đức cho biết, sau mổ, bệnh nhân này bị suy đa tạng. Đến nay, sau 8 tháng ghép phổi, toàn trạng bệnh nhân vẫn suy kiệt, các bác sĩ đang cố gắng nâng thể trạng của bệnh nhân lên và 3 tuần nay bệnh nhân đang phục hồi tốt hơn.

“Cháu bé này là trường hợp nặng bị tổn thương không chỉ ở phổi mà các cơ quan tạng khác đều rất xấu, chức năng sống không tốt, được ghép phổi trong tình trạng cấp cứu.

Lúc đó, các đồng nghiệp ở nước ngoài cũng nói họ không dám ghép nhưng chúng tôi đã quyết tâm làm. Đây là cuộc đấu trí của các bác sĩ. Vừa rồi các chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc) sang, khi đến thăm trường hợp cháu bé này, họ cũng ngạc nhiên và bày tỏ thán phục vì bác sĩ Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật với ca khó này” – PGS. Nguyễn Hữu Ước cho biết.