Kỹ năng cha mẹ cần biết để dạy con phòng chống xâm hại tình dục

ANTD.VN - Cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con trong thời đại bùng nổ thông tin chính là một trong những nguyên nhân đẩy con đến gần với nguy cơ bị xâm hại tình dục.

90% kẻ xâm hại tình dục trẻ là người quen 

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm (2011-2015), Việt Nam phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ. Số vụ trẻ bị xâm hại tình dục lên tới 5.300 vụ. Điều đáng nói hơn 90% kẻ xâm hại tình dục là người quen và 47% trong đó là họ hàng, gia đình của nạn nhân. Cũng theo các chuyên gia, thực tế số ca trẻ bị xâm hại tình dục còn cao hơn rất nhiều. 

Theo Ths. Tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Chưa có một số liệu chính xác về việc bố mẹ Việt đang coi nhẹ nguy cơ xâm hại tình dục của con. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ bố mẹ còn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục dẫn đến những khó khăn trong trò chuyện với con. Hơn nữa, do thiếu sự gắn kết, nhiều trẻ có xu hướng không muốn chia sẻ chuyện thầm kín với bố mẹ… Tất cả những điều này đều góp phần khiến trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao hơn.

Nhận biết trẻ bị xâm hại

Ths. Nguyễn Thị Mai Hương cho hay, ở những đứa trẻ bị lạm dụng, xâm hại hành vi và ngôn ngữ lời nói của chúng có thể không phù hợp với lứa tuổi. Khi chơi cùng trẻ khác hoặc với búp bê, động vật, trẻ có những hành động mang tính tình dục không phù hợp. Trẻ cũng có thể có những cách xử sự thụt lùi so với lứa tuổi hoặc không phù hợp chuẩn mực đạo đức như nói tục, mút ngón tay…

“Để giúp con tránh khỏi nguy cơ lạm dụng, xâm hại, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Cha mẹ cần không ngừng trau dồi, học hỏi kiến thức để dạy con cách tự bảo vệ mình. Học cách làm bạn với con để con dễ dàng chia sẻ và khuyến khích con bày tỏ khó khăn của mình. Cha mẹ cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục giá trị và kỹ năng sống giúp trẻ ứng phó với tình huống xấu nhất”.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương (Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Trẻ bị lạm dụng, xâm hại thường có ý tưởng hoặc ý định tự sát, mất lòng tin, mơ hồ, nhầm lẫn, hồi tưởng, tự ti… Trẻ thường khó có thể tập trung vào học. Có những trẻ có thể gặp ác mộng lặp đi lặp lại. Trạng thái xúc cảm của trẻ thường có xu hướng mất cân bằng, thần kinh luôn căng thẳng. Trẻ sẽ có thái độ tội lỗi, xấu hổ, giận dữ, cuồng nộ, hung hăng, buồn, đau đớn. Lo lắng - lo sợ bị tấn công, sợ sệt một điều gì đó, bị ám ảnh, khiếp sợ… Ngoài ra, trẻ còn có những tổn thương nhất định về thể chất như: Đau hoặc rát ở bộ phận sinh dục; Dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, mang thai…

Giúp con tránh khỏi nguy cơ lạm dụng, xâm hạị

Việc giúp trẻ phục hồi tinh thần sau xâm hại tình dục khá phức tạp, tuy nhiên, không phải không làm được. Theo đó, việc đầu tiên mà chúng ta cần làm là: khẳng định lại cho trẻ biết rằng trẻ được an toàn và được chăm sóc. Bố mẹ, người thân cần khuyến kích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Trong quá trình phục hồi, hãy chịu khó lắng nghe suy nghĩ, trò chuyện cùng trẻ để tâm trí trẻ được cởi mở. Điều này vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi.

Sau sự cố đáng tiếc xảy ra, nhiều cha mẹ bảo vệ con quá mức, thế nhưng, điều này vô tình khiến trẻ trở nên ngột ngạt và bị ám ảnh bởi chuyện cũ hơn. Thế nên, hãy yêu thương, bảo vệ con vừa đủ và đúng cách. 

Cũng theo Ths. Nguyễn Thị Mai Hương, để giúp con tránh khỏi nguy cơ lạm dụng, xâm hại, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Cha mẹ cần không ngừng trau dồi, học hỏi kiến thức để dạy con cách tự bảo vệ mình. Học cách làm bạn với con để con dễ dàng chia sẻ và khuyến khích con bày tỏ khó khăn của mình. Cha mẹ cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục giá trị và kỹ năng sống giúp trẻ ứng phó với tình huống xấu nhất.