Kiểm soát Covid-19: Cần nhất là niềm tin và sự đồng thuận xã hội

ANTD.VN - Mới hôm trước (7-3), chợ búa, siêu thị còn rầm rập người mua, 8h sáng gần như tất cả các hàng thịt, hàng rau, sữa, bỉm, giấy vệ sinh đều sạch bách. Người người đi chợ trong tâm thế khuân cả chợ về tích trữ. Ngày hôm sau khác hẳn, 10h sáng thịt cá, đậu, rau ê hề. Người bán hàng, hôm trước khách còn đuổi đi không hết, hôm nay ngồi  nhìn ra đường đếm người qua lại.

Kiểm soát Covid-19: Cần nhất là niềm tin và sự đồng thuận xã hội ảnh 1Các chợ dân sinh đầy ắp hàng hóa, không hề có chuyện khan hiếm như tin đồn thất thiệt

Tin giả cùng sự lo lắng quá đà

Sau đêm phát hiện bệnh nhân thứ 17 dương tính với nCoV, sáng hôm sau con ngõ nhỏ trước cửa nhà tôi vốn ngày thường yên tĩnh, bỗng dưng rầm rập xe qua lại. Ngó ra ban công, thấy dưới đường toàn là phụ nữ, ai cũng hối hả chở theo vài thùng mì tôm, dăm thùng sữa, ngoài ra còn đủ các loại giấy vệ sinh, xà phòng, gạo, thịt… Tay xách nách mang còn hơn cả đi chợ sáng 30 Tết.

Mẹ tôi đứng ngồi không yên vì “người ta mua hết cả chợ rồi” mà vẫn thấy mấy đứa con “bình chân như vại” ngồi giữa sân uống trà. Phân tích tình hình, thuyết phục động viên các kiểu cũng không làm bà yên tâm. Tôi đành ra chợ, như một “liều thuốc tinh thần” cho bà yên lòng.

Gì thế này? Mới 8h sáng, tất cả các phản thịt bò, lợn, gà, những hàng cá… đều hết sạch. Rau xanh còn vài mớ tả tơi. Cá mắm không còn con nào, lạc hết, vừng hết. Cô bán rau mà tôi hay mua mới lấy thêm được chừng hai chục cân khoai tây, ba chục cân khoai sọ đang tất tả ngồi cân cho khách, chẳng buồn ngước lên nhìn xem ai hỏi mua, nói sẵng: “Còn thế thôi mua thì mua, gớm khách khứa gì hơn đánh úp, ai mà chuẩn bị kịp”. 

Đầu ngõ nhà tôi có một hàng thịt. Hai vợ chồng chị bán thịt người Mê Linh, sáng nào cũng đánh một xe tải nhỏ thịt với các loại rau quả để phục vụ cho cái ngõ nhỏ với mấy chục hộ dân này. Thường ngày cũng phải quá trưa mới hết hàng. Thế mà hôm trước, người mua nhiều thì 5-7kg, người mua ít cũng phải 2-3kg thành ra một loáng cái là hết con lợn ngót tạ thịt. Mọi thứ bán kèm, cà chua, cải bắp cho tới hành mùi, bí đao cũng hết sạch từ sáng sớm.

Gọi viện trợ từ Mê Linh, chuyển thêm 2 con lợn nữa cũng chỉ quá trưa là hết chẳng còn chút  nào. Người mua ngày thường ỏng ê nâng lên đặt xuống miếng thịt, nay “cân tất”, mua như ăn cướp. Đứng xếp hàng chờ mua, hỏi chuyện mấy bà bác hàng xóm mới hay, tin giả cùng cái sự lo lắng quá đà đã vô tình “kích cầu” chợ búa.

Một bác hỏi tôi: “Thế không biết gì à, phải mua đi, nhỡ mai bị cách ly còn có cái mà ăn?”. Bác bên cạnh bảo: “Tin thất thiệt đó, bà mua vừa thôi, ngày mai ngày kia thì chợ vẫn bán mà”. Chỉ có thế mà lời qua tiếng lại mà thành cãi nhau to. “Thuyết âm mưu cách ly tất” về sau đuối lý thì nói cùn: “Ờ, tôi thích thì tôi mua, được chưa. Tôi có tiền thì tôi mua”.

Người dân cần bình tĩnh và tin tưởng

Đấy, mới hôm qua còn rùng rùng mua bán, hôm nay chợ búa đã vắng ngắt. Đó cũng là điều dễ hiểu và đoán trước được. Đơn giản là vì, hôm qua mua chật cả tủ lạnh rồi, hôm nay mua thêm thì chỗ đâu mà chứa. Hôm qua, trong vòng vài tiếng đồng hồ, thịt, cá, đậu, rau leo giá chóng mặt. Ba chỉ lợn thường ngày có 170 nghìn/kg, ngày “cao điểm” bán lên tới 250 nghìn/kg. Giá rau củ cũng đắt lên gấp rưỡi. Những bà nội trợ ngày thường vốn căn ke là thế, mới nghe tin dịch bệnh đã cuống lên “mua được là tốt”, bất chấp giá cả vô lý. 

Những người hôm qua đã trót xông vào “điểm nóng” tích trữ thực phẩm cho đầy nhà, hôm nay cười xòa “thôi đằng nào chả mua”. Đằng nào chả mua, câu trả lời vô cùng thiếu trách nhiệm. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, chống dịch như chống giặc thì mọi hành động thái quá đều có thể làm cho tình hình xấu đi, cho hoang tin đẩy lên nhiều hơn. Nhiều khi Covid-19 còn chưa đến cửa, trong nhà đã suy sụp vì lo lắng thái quá.

“Sẽ có đủ lương thực thực phẩm cho người dân”- đó là khẳng định của lãnh đạo Hà Nội trong cuộc họp ngày 7-3. Điều này cũng được chứng thực qua ví dụ Sơn Lôi. Cả xã hơn 10.000 nhân khẩu, cách ly mấy chục ngày vẫn đầy đủ gạo, thịt, rau xanh… Điều này là thật, làm sao giấu được trong thời đại mạng xã hội bùng nổ.

“Chống dịch như chống giặc”. Để thắng được giặc, để dập được dịch thì điều cần nhất ở mỗi người dân Thủ đô bây giờ là bình tĩnh và tin tưởng. Bình tĩnh bảo vệ bản thân, thực hiện đeo khẩu trang đúng cách khi ra nơi công cộng, thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, hạn chế tụ tập đông người và khi có vấn đề gì về sức khỏe phải trung thực thông tin và đến ngay các cơ sở y tế. Tin tưởng vào chủ trương chính sách và các biện pháp phòng dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội. Chúng ta đã làm rất tốt, từng chữa trị hiệu quả cho 16 bệnh nhân trước đó, khoanh vùng dập dịch thành công ở Sơn Lôi, Bình Xuyên đó là kinh nghiệm cũng là bằng chứng không ai có thể chối cãi được.

Hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người nhiễm Covid-19, Việt Nam không thể nằm ngoài tâm dịch, thế nhưng cho dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp và khó lường chỉ cần có niềm tin, đồng thuận xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ sớm kiểm soát thành công dịch bệnh.

NSND Công Lý: “Không chủ quan và quá hoang mang, lo lắng!”

Kiểm soát Covid-19: Cần nhất là niềm tin và sự đồng thuận xã hội ảnh 2

“Dịch bệnh là điều cả thế giới này không ai mong muốn. Khi xuất hiện dịch bệnh, chúng ta không thể lơ là, chủ quan nhưng cũng không nên vì thế mà quá hoang mang lo lắng. Việc cần thiết nhất lúc này là mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng, làm theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế và đặc biệt là tin vào những nguồn tin báo, đài chính thống thay vì lo sợ trước các tin đồn lan truyền không chính xác.

Tôi mong rằng mọi người hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào những chỉ đạo và khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như chính quyền địa phương. Đặc biệt phải tuyệt đối thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, có vậy thì mới chung tay góp sức đẩy lùi được dịch Covid-19”.

Nhạc sĩ Khắc Hưng: “Tất cả nên bình tĩnh, đừng gây hoảng loạn đến người xung quanh” 

Kiểm soát Covid-19: Cần nhất là niềm tin và sự đồng thuận xã hội ảnh 3

“Thời gian qua tôi may mắn được làm việc cùng với Bộ Y tế, biết được thêm nhiều thông tin và tất cả những đóng góp của mọi người trong công cuộc chống dịch này, từ sự vất vả của những y bác sĩ trong bệnh viện, những anh chị cần mẫn trong các Viện nghiên cứu... Tôi cũng biết được những câu chuyện người thật việc thật trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và thấm thía những con người đó đã phải vất vả như thế nào, hy sinh thời gian, gia đình và cả sức khoẻ của bản thân ra sao để ngày đêm chống dịch. Vì vậy, tất cả nên thực sự bình tĩnh, cố gắng đừng gây hoảng loạn đến những người xung quanh, mua lương thực và nhu yếu phẩm vừa đủ, để dành cho tất cả mọi người cùng mua. Hạn chế đi ra ngoài thời điểm này và luôn tự giác vệ sinh thân thể cũng như không gian xung quanh mình. Ngay lúc này, đây là một phép thử để chúng ta đương đầu, mọi người hãy cùng nhau tự giác và đoàn kết và cùng cố gắng”.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam: Việc tích trữ thực phẩm để đối phó với dịch Covid-19 là lãng phí

Kiểm soát Covid-19: Cần nhất là niềm tin và sự đồng thuận xã hội ảnh 4

“Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đặc biệt là khi Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên dương tính với virus Corona, nhiều người cảm thấy lo lắng, bất an. Chính vì thế, họ đã đổ về các siêu thị, hay đi chợ để tích trữ lương thực, thực phẩm. Tôi nghĩ rằng điều này là không cần thiết và càng làm cho dịch bệnh trở nên khó kiểm soát. Chính việc tập trung đông người tại các siêu thị vô tình tạo ra nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe của cộng đồng. Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới và Hà Nội là Thủ đô. Chúng ta hoàn toàn yên tâm về mặt khả năng cung ứng thực phẩm của thành phố cho người dân. Do vậy, để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, ngoài những biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người và luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài thì một yếu tố quan trọng nữa là chúng ta luôn phải giữ một tinh thần lạc quan, bình tĩnh”. 

Nhà thơ, nhà báo Bảo Ngọc: Bĩnh tĩnh đối phó với dịch bệnh

Kiểm soát Covid-19: Cần nhất là niềm tin và sự đồng thuận xã hội ảnh 5

“Lo lắng trước dịch bệnh thì ai cũng có. Vì đó là sự an nguy không riêng một cá nhân hay một gia đình. Sáng hôm thứ bảy, tôi cũng định mua vài thứ thiết yếu khi nhà đã hết. Vì thông thường dân công chức hay đi chợ nhiều vào cuối tuần. Nhưng ra đến nơi thấy bà con xếp hàng và nháo nhác nên tôi mua một ít rồi về ngay. Tôi nghĩ trong mọi thiên tai dịch bệnh thì nỗi sợ hãi sẽ giết mình đầu tiên. Bình tĩnh chuẩn bị vài thứ tối cần thiết và có hiểu biết rõ ràng để bảo vệ mình, có ý thức kỷ luật chung với cộng đồng mới là điều quan trọng. Nhà mình ko thể được bảo vệ trong khi ai cũng nháo nhác lo cho bản thân. Và điều quan trọng không kém là với gia đình tôi, tôi muốn các con biết tiết kiệm, trân trọng hơn nguồn thực phẩm nuôi dưỡng mình hằng ngày”.