Không thể mua, bán nhà đất nếu vợ chồng không đồng thuận

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Vừa qua tôi đặt cọc 200 triệu đồng mua nhà và đất (thuộc sở hữu của cả 2 vợ chồng bên bán). Vì nghĩ đơn giản nên tôi chỉ để một mình chồng viết giấy bán nhà và nhận tiền cọc. Nay, họ bất ngờ nói không bán nữa và chỉ trả lại tiền cọc cho tôi. Tôi không đồng ý vì theo giấy đặt cọc, bên bán sẽ bị phạt gấp 3 lần số tiền nhận cọc nếu không bán nhà. Xin hỏi luật sư, tôi có thể kiện ra tòa để đòi số tiền phạt họ phải trả không? Trần Anh Đức (Vĩnh Phúc) 

Không thể mua, bán nhà đất nếu vợ chồng không đồng thuận ảnh 1Ngay từ khi nhận tiền đặt cọc mua bán nhà đất, đã cần có sự đồng thuận của hai vợ chồng (Ảnh minh họa)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời: 

Vấn đề bạn nêu có nội dung chưa rõ ràng: “Khi mua bán nhà đất chỉ có một mình người chồng viết giấy bán nhà và nhận tiền đặt cọc”. Điều này không phù hợp với logic thông thường, nghĩa là hai bên sẽ làm thủ tục đặt cọc trước rồi sau đó mới giao kết hợp đồng mua bán chứ không phải vừa viết giấy bán nhà vừa làm thủ tục đặt cọc.

Tôi giả thiết việc bạn đưa cho bên bán 200 triệu đồng là đặt cọc để nhằm mục đích hai bên tiến tới thực hiện giao dịch mua bán nhà đất. Sau đó bên bán không muốn thực hiện giao dịch mua bán nhà đất nữa và đề nghị trả lại cho bạn 200 triệu đồng. Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu bên bán bồi thường gấp ba lần số tiền đặt cọc theo như thỏa thuận trong giấy đặt cọc. Tuy nhiên việc giải quyết yêu cầu của bạn có thể sẽ diễn ra theo chiều hướng sau:

Thứ nhất, nếu việc bên bán không muốn bán nữa vì lý do người vợ không đồng ý để người chồng một mình nhận tiền đặt cọc, khi đó tòa án có thể sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của bạn. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 1, Điều 33 - Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…”. Điều 35 luật này cũng quy định: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận” và “Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp là: Bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”. Như vậy việc người chồng tự mình nhận đặt cọc 200 triệu đồng để bán nhà đất thuộc quyền sở hữu chung của cả hai vợ chồng là trái pháp luật. Do đó tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của bạn do hợp đồng đặt cọc giữa bạn và người chồng vô hiệu.

Không thể mua, bán nhà đất nếu vợ chồng không đồng thuận ảnh 2Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VPLS Giang Thanh, Đ/c: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Thứ hai, là nếu việc bên bán không muốn bán nữa là vì nhà đất của họ được người khác trả giá cao hơn và lúc người chồng một mình nhận đặt cọc 200 triệu đồng của bạn đã được sự thống nhất của người vợ trước đó để chồng một mình nhận tiền, khi đó tòa án có thể sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bạn, buộc bên bán phải trả lại cho bạn 200 triệu đồng và bồi thường thêm cho bạn 600 triệu đồng.

Từ những phân tích nêu trên nên bạn cần phải tìm hiểu kĩ nguyên nhân họ không muốn bán nhà cho bạn nữa, trước khi tiến hành khởi kiện để tránh bị “thua”, nghĩa là tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bạn. Khi đó bạn vừa không đòi được tiền bồi thường, vừa mất một khoản án phí phải nộp cho tòa án.