Không thể đòi lại tài sản là nhà, đất đã "sang tên"

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng tôi được bố mẹ vợ “sang tên” cho một mảnh đất cùng ngôi nhà trên đó. Nay tôi nghe phong thanh rằng bố mẹ vợ tôi muốn lấy lại nhà đất này. Xin hỏi luật sư, nếu bị đòi lại thì vợ chồng tôi có phải trả lại nhà, đất cho ông bà ngoại không? Nguyễn Trí Nghĩa (Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự Địa chỉ: Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Luật sư trả lời: Theo quy định của pháp luật thì căn nhà vợ chồng bạn được bố mẹ vợ “sang tên” là một loại tài sản và việc bố mẹ vợ bạn làm thủ tục tặng căn nhà đó cho vợ chồng bạn thì giữa hai bên đã thực hiện một giao dịch dân sự, đó là hợp đồng tặng cho tài sản. Cụ thể, Điều 457, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.

Đặc điểm Hợp đồng tặng cho tài sản luôn là hợp đồng thực tế. Trong hợp đồng tặng cho tài sản, dù hai bên đã có sự thỏa thuận cụ thể về đối tượng tặng cho (là tiền hoặc tài sản), điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng cho nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tài sản cho người được tặng cho thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập. Các bên trong hợp đồng không có quyền yêu cầu đối với nhau trong việc thực hiện hợp đồng. Việc hứa tặng cho không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản. Bên được tặng cho không có quyền yêu cầu bên tặng cho phải giao tài sản đã hứa tặng cho.

Do tính chất đặc biệt của hợp đồng tặng cho tài sản không mang tính đền bù tương đương nên pháp luật dân sự có quy định riêng về thời điểm có hiệu lực của loại hợp đồng này. Cụ thể là hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với bất động sản mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

 Như vậy, việc vợ chồng bạn được bố mẹ vợ tặng cho tài sản là đất, nhà và hai bên đã “sang tên” thì giao dịch đã có hiệu lực pháp luật. Bố mẹ vợ bạn không còn quyền đòi lại tài sản (đất, nhà), trừ khi việc tặng cho tài sản đó có điều kiện và người nhận tặng cho tài sản phải thực hiện nghĩa vụ sau khi nhận tài sản mà không chịu thực hiện. Khi đó, người tặng cho tài sản có quyền đòi lại tài sản, đồng thời yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 462, Bộ luật Dân sự năm 2015.