Không phát sinh quan hệ cha con đối với người cho tinh trùng

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Vợ chồng tôi ly hôn đầu năm 2018 và tòa giao tôi nuôi con gái lớn sinh năm 2007, chồng tôi nuôi cháu trai sinh năm 2013. Nay tôi muôn thay đổi lại, chồng tôi nuôi cháu lớn, còn tôi nuôi cháu nhỏ. Lý do cháu trai là con của tôi với người đàn ông khác bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo… Tôi đã nói chuyện này với chồng cũ nhưng anh ấy không tin và nhất quyết không đồng ý thay đổi việc nuôi con. Xin hỏi luật sư, tôi phải làm như thế nào để đạt được nguyện vọng? Nguyễn Thu Thủy (Hải Phòng)

Không phát sinh quan hệ cha con đối với người cho tinh trùng ảnh 1Luật quy định rõ: “Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra”

Luật sư trả lời: Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì việc thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn thể hiện tại Điều 84. Cụ thể: “Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con”. Và việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ là: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Ngoài ra, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự. Sau cùng là trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2, điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: Người thân thích; Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em và Hội Liên hiệp phụ nữ.

Không phát sinh quan hệ cha con đối với người cho tinh trùng ảnh 2Luật sư Đặng Văn Sơn (Trưởng VPLS Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Từ những quy định nêu trên có thể thấy, việc thay đổi quyền nuôi con trước tiên sẽ do sự thỏa thuận của vợ chồng hoặc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Mặt khác, thay đổi quyền nuôi con còn phải xem xét tới nguyện vọng của con gái bạn vì hiện tại cháu đã hơn 7 tuổi. Và theo chúng tôi hiểu thì vấn đề bạn thực sự quan tâm là con trai bạn là con của bạn và người đàn ông khác (thụ tinh nhân tạo) chứ không phải con chung với chồng bạn nên bạn muốn là người trực tiếp nuôi cháu bé... 

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 88 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Như vậy, việc chồng bạn không đồng ý là có căn cứ. Bởi Điều 93 bộ luật này cũng quy định: “Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra”. 

Thế nên đối với trường hợp bạn nêu thì chỉ khi nào chồng cũ bạn từ chối nhận con và phải được tòa án xác định là không phải con của chồng bạn thì khi đó chồng bạn sẽ không có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé. Và lúc này, bạn mới có quyền trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con trai bạn. Còn việc con nhận cha, mẹ hay cha, mẹ nhận con lại là một vấn đề khác và sẽ được giải quyết bằng một quy định pháp luật khác.