Không được dạy trước chương trình, trường ngoài công lập phản ứng

ANTD.VN - Nhiều trường học ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn trước quy định không được dạy trước môn văn hóa của Sở GD-ĐT Hà Nội.

Từ ngày 1-8, nhiều trường đã bắt đầu tập trung học sinh học cả ngày nhưng theo đúng yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường chỉ chính thức triển khai chương trình mới theo khung năm học với học kỳ I được tính bắt đầu từ ngày 6-9 đối với cấp mầm non và tiểu học; ngày 14-8 với cấp THCS và THPT. 

Không được dạy trước chương trình, trường ngoài công lập phản ứng ảnh 1Học sinh Hà Nội bắt đầu tựu trường từ ngày 1 đến 25-8

Trường công thoải mái ôn hè

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học chỉ được tổ chức ôn tập văn hóa cho học sinh từ sau ngày 1-8-2017 trên cơ sở tự nguyện, không được ép buộc học sinh học thêm trong hè dưới bất cứ hình thức nào. Trong quá trình ôn tập, Sở yêu cầu các trường không được dạy trước chương trình, ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2017-2018. 

Khảo sát tại một loạt trường tiểu học thuộc quận Đống Đa cho thấy, từ ngày 1-8, nhiều trường mở các câu lạc bộ hè để nếu phụ huynh nào không có điều kiện trông con thì gửi đến học. Nếu học sinh nào muốn nghỉ thêm thì từ ngày 25-8 có thể đến trường học, nhà trường không bắt buộc.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên cho biết,  ngày 15-8, trường mới tập trung học sinh lớp 1. Đối với học sinh từ lớp 2 đến lớp 5, trường tổ chức các câu lạc bộ, sân chơi: nhảy, võ, vẽ, bóng rổ... gia đình có nhu cầu thì làm đơn đăng ký cho con học, nhà trường không ép buộc. 

Tại các trường THCS công lập thuộc quận Tây Hồ, Ba Đình, học sinh đều đã tập trung để ôn tập văn hóa. Em Nguyễn Minh Thư, học sinh trường THCS Giảng Võ, Ba Đình cho biết, trường bắt đầu tập trung  từ ngày 1-8 và cho học sinh đăng ký học bồi dưỡng hè 3 môn Văn, Toán và tiếng Anh, thời gian học từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Học sinh nào không học có thể nghỉ hết ngày 24-8, nhà trường không bắt buộc. 

Trường tư muốn tự chủ lịch học

Thực tế, việc quy định cụ thể ngày tựu trường cũng như quản lý dạy thêm, học thêm, học trước các môn văn hóa trong nhà trường đã được siết lại từ năm 2016 khi nhiều phụ huynh phản ánh, khối ngoài công lập không thực hiện thời gian nghỉ hè 3 tháng. Thay vào đó, học sinh chỉ được nghỉ 1 tháng hè là phải tập trung học tập. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học, không được rút ngắn kỳ nghỉ hè của học sinh. Đồng thời, Bộ yêu cầu các Sở quy định rõ ngày học sinh tựu trường của từng cấp học bảo đảm phù hợp với lứa tuổi và thực tiễn của địa phương. Các địa phương phải hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức các hoạt động giáo dục như ôn tập, phụ đạo kiến thức cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… trong các trường học.

Thực tế, theo quy định khung năm học của Sở GD-ĐT Hà Nội, thời gian học kỳ I được tính bắt đầu từ ngày 6-9 đối với cấp mầm non và tiểu học; từ ngày 14-8 với cấp THCS và THPT. Như vậy, phải đến thời điểm đó, các trường mới được dạy và học theo nội dung chương trình năm học. 

Nói chung, các trường đều cho rằng nghỉ hè 3 tháng là quá nhiều và do đó họ rất hoan nghênh kế hoạch biên chế năm học của Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức tựu trường từ ngày 1-8. Kết hợp kế hoạch đó với quy định cho phép các trường ngoài công lập được tựu trường sớm hơn 4 tuần so với trường công lập, năm ngoái, nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã tập trung học sinh từ đầu tháng 7 và nghĩ rằng làm như thế không có gì sai so với quy định. Tuy nhiên, sau đó, các trường đã phải thay đổi lịch học từ 1-8 theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội.

Lý giải về việc cần được tự chủ trong việc bố trí lịch học đối với các trường ngoài công lập, PGS Văn Như Cương, người sáng lập trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết: “Các trường tư thục đều phải nhận học sinh trung bình, chất lượng không bằng trường công lập nên họ có kế hoạch “giảm tải” bằng cách thêm thời gian cho các môn học so với quy định chung, để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, các trường không thể bớt tiết của môn này bù sang môn khác, cho nên chỉ có thể lấy thêm thời gian dôi ra từ tháng 7 đến tháng 9 để bổ sung thêm kiến thức cho học sinh”.

Với quy định từ ngày 1-8 chỉ được ôn tập chứ không được dạy theo chương trình mới, PGS Văn Như Cương cho rằng, các trường tư thục lại bị tước mất quyền tự chủ trong việc phân bổ và kế hoạch học tập của trường mình cho phù hợp…