Kẻ bạo hành khiến bé gái 3 tuổi tử vong tại Hà Nội có thể bị tử hình?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, liên quan tới vụ án bé gái 3 tuổi N.N.M.M (SN 2016, HKTT xã Võng La Đông Anh, Hà Nội) tử vong, Cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án với tội danh Giết người. Theo các Luật sư, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể đối diện mức án cao nhất là tử hình.

Hiện cơ quan công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp mẹ đẻ và cha dượng của nạn nhân. CAQ Đống Đa đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội để tiếp tục hoàn tất thủ tục khởi tố bị can.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi về Tội giết người quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn... thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Về cấu thành tội phạm, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Hành vi khách quan của tội giết người có thể là hành động như bóp cổ, đấm đá, bẻ cổ, bịt miệng, mũi, đâm, chém…Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.

Những vết thương chi chít trên chân cháu bé

Theo những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội bé gái N.N.M.M bị cha dượng và mẹ đẻ bạo hành tra tấn dã man như thời trung cổ trong nhiều ngày liên tiếp dẫn đến tử vong.

Nếu kết quả xác minh sự việc trên là có thật, cháu bé đã bị người thân đánh đập man rợ, mất hết nhân tính dẫn đến bị tước đoạt quyền sống - quyền cơ bản của con người thì những đối tượng thực hiện hành vi phải bị sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.

Điều 6 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em nêu rõ, các quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Ở độ tuổi lên 3, cháu M rất cần sự thương yêu, chăm sóc của người mẹ nhưng không thể ngờ cháu bé lại bị chính người thương yêu nhất sát hại. Những vết thương trên thi thể cháu đã khiến dư luận thương xót, phẫn nộ.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, cho dù vì bất cứ lý do gì liên quan đến việc chăm sóc cháu bé hoặc do sử dụng ma túy gây ảo giác mà các đối tượng vô cớ sát sát hại cháu bé đều không thể biện minh cho tội ác tày trời mà chúng đã gây ra.

Mặt khác, nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” thì theo quy định của pháp luật hình sự, đây không được coi là tình tiết giảm nhẹ. Điều 13 BLHS 2015 đã quy định “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, pháp luật buộc công dân phải nhận thức được tác hại khi sử dụng các chất kích thích sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát hành vi nên hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Do đó, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”, mẹ đẻ và bố dượng của cháu bé có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng là giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ, đối diện mức hình phạt cao nhất là tử hình.