Hủ tục hôn lễ và những hệ lụy đau lòng phía sau

ANTD.VN - Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Việt Nam có quy định rất rõ về việc cấm áp dụng những tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình như: Chế đội đa thê, kết hôn cận huyết, cướp vợ, phong tục “nối dây”... để ngăn ngừa hậu quả từ những hủ tục đó. Thế nhưng trong thực tế, những vụ việc đau lòng liên quan tới hủ tục hôn lễ lại đang có dấu hiệu gia tăng đáng báo động. Không riêng ở Việt Nam mà  nhiều nơi trên thế giới vẫn tồn tại những tập tục hôn nhân đáng sợ, đi ngược lại với giá trị văn hóa của con người, làm băng hoại giá trị đạo đức, để lại nhiều hệ lụy đau lòng không đáng có.

Ép cô dâu ăn tới béo phì để gia đình chồng gặp nhiều may mắn

Phụ nữ luôn mong ước bản thân có một thân hình cân đối, hoàn hảo để thu hút ánh nhìn của nam giới. Chính bởi thế mà họ không ngần ngại áp dụng nhiều phương thức giảm cân để đạt được hiểu quả mong muốn. Nhưng ở Mauritania lại khác, vì tiêu chuẩn của cái đẹp chính là béo, đó mới là biểu tượng của vẻ đẹp thuần khiết. Đặc biệt là trong hôn nhân, một người phụ nữ có thân hình đẫy đà sẽ được coi là điềm may mắn cho gia đình nhà chồng. Chính bởi lý do đó mà phụ nữ nơi đây phải khổ sở vì chuyện ăn uống. Bởi họ sẽ buộc phải ăn cho tới khi đạt đến thân hình "chuẩn".

Cách thức "vỗ béo" mang tính thô bạo khiến chuyện ăn uống trở thành nỗi ám ảnh với nhiều phụ nữ Mauritania

Điều này dẫn tới một hệ lụy liên quan tới sức khỏe, ví như: Rủi ro đau tim, suy thận, tiểu đường và rạn nứt xương khớp thậm chí dẫn đến tử vong. Cơ thể họ cũng không phát triển cân đối - bụng, mặt và ngực phát triển rất mạnh, trong khi chân tay thì rất nhỏ. Việc tăng cân đột ngột như thế sẽ đẩy nhanh quá trình dậy thì ở các bé gái, dẫn tới tình trạng kết hôn sớm và những câu chuyện liên quan tới bạo hành gia đình diễn ra phổ biến ở đất nước này.

Tảo hôn – địa ngục trần gian đối với trẻ em Ấn Độ

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (2011), có hai mươi quốc gia có nạn tảo hôn phổ biến nhất, trong đó Ấn Độ có tỷ lệ tảo hôn trên 40%.

Tảo hôn vốn là một tập tục hôn lễ cổ xưa của Ấn Độ, chỉ trường hợp kết hôn mà trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong hai người là trẻ em hoặc là người chưa đến tuổi kết hôn (thông thường là chưa đến tuổi dậy thì). Những đám cưới của tục tảo hôn thường tổ chức trùng với dịp lễ hội Akkha Teej, một lễ hội của mùa hè mà theo người Ấn là mùa cưới hỏi. Sau lễ cưới, các cô dâu nhí vẫn ở nhà cha mẹ đẻ và chỉ đến ở nhà chồng khi đã trưởng thành.

Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất. Đây không chỉ là vấn đề riêng Ấn Độ mà nó còn là vấn đề bức bối của toàn cầu.

Thế nhưng tảo hôn theo thời gian đã biến tướng, dẫn tới nhiều bi kịch đau lòng.

Theo thống kê, mỗi năm ở Ấn Độ có khoảng 3 triệu bé gái bị ép kết hôn sớm, tỷ lệ những bé gái từ 14-16 tuổi phải mang thai và tử vong trên bàn mổ ngày càng tăng, tỷ lệ tội phạm liên quan tới bạo hành gia đình và lạm dụng trẻ em cũng ngày càng đáng báo động.

Trước thực trạng đó, chính phủ Ấn Độ đã phải đưa lệnh cấm tập tục này. 

Thế nhưng, tảo hôn vẫn diễn ra âm thầm ở nhiều nơi như miền Trung và Tây Ấn. Đối tượng không chỉ là các bé gái mà còn cả những bé trai, các em đều bị tước đi quyền được phát triển như bao đưa trẻ khác, quyền được phổ cập giáo dục, trở thành nạn nhân của nạn bạo lực và tình dục. Mà lý giải cho hiện trạng này chỉ bởi đói nghèo và bất bình đẳng giới.

Tục “cướp vợ” ở Việt Nam, biến tướng trở thành hủ tục hôn lễ cần được loại bỏ

Vốn dĩ, tục "cướp vợ" là một mỹ tục lâu đời của người H’Mông, Thái và những dân tộc miền cao ở Tây Bắc. Tập tục thể hiện sự tự do hôn nhân, mưu cầu hạnh phúc của những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ràng buộc bởi xính lễ.

Một cuộc “cướp vợ” diễn ra thường nhận được sự giúp đỡ của bạn bè trai gái hai bên, khi tới giờ lành, cô gái được phù dâu dẫn về nhà chồng. Dù không được cha mẹ cô gái đồng ý thì chàng trai chỉ cần tìm cách đặt lễ vật lên bàn thờ, coi như nộp phạt cưới rồi "bắt" vợ. Sáng hôm sau, không thấy con gái đâu, cha mẹ nhìn thấy lễ vật có thể ngầm hiểu. Cuộc “cướp vợ” thành công sẽ là ngày vui của các thế hệ trong bản làng, họ quây quần nhảy múa, uống rượu, chúc phúc cho đôi trai gái.

Nhưng theo thời gian, tục “cướp vợ” xuất hiện nhiều biến tướng, có yếu tố cấu thành tội phạm. Nhiều cô gái không chấp nhận tình yêu của chàng trai nhưng vẫn bị bắt về một cách thô bạo, cưỡng ép trở thành vợ người mình không yêu. Chưa kể tới “cướp vợ” còn là một biến tướng của “tảo hôn”, khi mà có những cô gái bị cướp về nhà chồng còn chưa đủ tuổi vị thành niên. Những trường hợp cưỡng ép này đa phần chấp nhận hiện thực, nhưng cũng có những trường hợp cô gái không chịu được uất ức mà lựa chọn ăn lá ngón tự tử.

Bộ phim "Vợ chồng A Phủ" đã phản ảnh chân thực tục "cướp vợ"

Đáng nói, lợi dụng tục “cướp vợ” nhiều “trai lạ” ở các bản khác hoặc vùng khác còn đến bắt vợ với mục đích cá nhân, nhiều trường hợp dính níu tới cả nạn buôn bán người ở biên giới.

Tục “cướp vợ” dần trở thành một hủ tục hôn lễ gây nguy hiểm cho xã hội mà Việt Nam đang tìm cách để loại bỏ.

Biện pháp nào để ngăn chặn những hệ lụy do hủ tục gây ra?

Hủ tục vốn là phong tục, tập quán đã lỗi thời, lạc hậu, nó tồn tại từ ngàn đời nên đã hằn sâu vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của một cộng đồng người. Hủ tục như một hòn đá cản đường làm chậm bước tiến của nhân loại. 

Vậy làm cách nào để ngăn chặn, loại trừ những hủ tục khi mà chúng đang dần biến tướng, tác động không tốt tới tư tưởng, nếp sống của một bộ phận nhân dân, làm xói mòn những giá trị đạo đức và bản sắc của dân tộc?

Về vấn đề này, theo GS-TS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian) cho ý kiến: "Can thiệp bằng luật pháp và các biện pháp hành chính không phải là công cụ duy nhất. Ðôi khi, các chính sách, pháp luật được ban hành, nhưng ít có sự tham khảo ý kiến của chính đối tượng thụ hưởng pháp luật. Vì vậy, chính sách thường xa rời thực tế và thiếu tính dự báo. Tính khả thi, hiệu quả thực thi không cao. Mà pháp luật chỉ có thể xử lý hành vi phạm tội, có tác dụng trừng phạt để ngăn ngừa chứ không thể giải quyết triệt để về mặt nhận thức. Chính bởi thế trong khía cạnh bài trừ hủ tục, theo tôi, biện pháp tuyên truyền, giáo dục và nêu gương sinh động từ cuộc sống phải đặt lên hàng đầu. Muốn con người thay đổi hành vi phải làm cho họ thay đổi nhận thức, vì hành vi chỉ là sự thể hiện bên ngoài của nhận thức. Tôi tin, khi một con người đã có sự hiểu biết về điều họ đang làm thì họ sẽ có cái nhìn khác, hành động khác".

Như vậy, tác động vào nhận thức là giải pháp tối ưu cho hiện tại: Giáo dục tư tưởng không chỉ cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn cho cả cá nhân mỗi người. Nhà nước vẫn luôn khuyến khích sự đoàn kết, đồng lòng của mọi người để đẩy lùi tác hại của hủ tục. Có như vậy, mới có thể giảm thiểu đi nhiều số phận đau lòng bị hệ lụy của hủ tục tước đi mất.