Hơn nửa đời người gắn bó với những người bệnh hủi bị xa lánh

ANTD.VN - Năm 30 tuổi, cô giáo Nguyễn Thị Xuân quyết định bỏ nghề dạy trẻ để đi vào Trại phong Quy Hòa (Bình Định) học làm y tá. Kết thúc khóa học, bà nộp đơn xin làm nhân viên của Trại phong Quả Cảm - nay là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, thế nhưng Sở Y tế Hà Bắc (nay tách ra thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) chưa chấp nhận ngay vì không thể tin có người… “điên” đến mức tình nguyện đi vào “trại hủi” làm việc.

Hơn nửa đời người gắn bó với những người bệnh hủi bị xa lánh ảnh 1Y tá Xuân trò chuyện, chăm sóc cho một bệnh nhân phong

Cơ duyên đến với bệnh nhân phong

Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh nằm khuất dưới mấy ngọn đồi thuộc xã Hoà Long (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), nơi ít người qua lại. Khuôn viên của bệnh viện ngày nay khá rộng nhưng bệnh nhân ít, với khoảng 90 bệnh nhân (chủ yếu là các cụ già), ở rải rác tại các khu nhà cấp 4 khiến cho không khí thêm phần buồn tẻ, hoang vắng.

Thế nhưng bên trong của thế giới có phần cách biệt với xã hội đó là những câu chuyện thấm đẫm tình người. Cũng ở nơi này, có một phụ nữ được tất cả mọi người gọi với cái tên trìu mến là “sơ Xuân”, thậm chí nhiều nhân viên y tế mới vào công tác còn không biết tên thật của bà mà chỉ biết rằng suốt 32 năm qua - người y tá này đã là một phần “linh hồn” của viện.

Sơ Xuân tên thật là Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1957 ở làng Xuân Hòa, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), theo đạo Công giáo và “tu tại gia”. 32 năm gắn bó với những người mắc căn bệnh bị xã hội kỳ thị, xa lánh, hắt hủi, người phụ nữ trẻ bị cho là “điên khùng” năm nào giờ đã ở tuổi hưu trí, mái tóc đã phủ đầy sợi bạc.

Không lập gia đình, không con cái, hơn 3 thập niên lấy trại phong làm nhà, lấy công việc làm vui, lấy bệnh nhân phong là người thân, bầu bạn, thế nhưng chia sẻ chuyện về đời mình với chúng tôi, sơ Xuân luôn kể với chất giọng đầy hạnh phúc và khẳng định bà chưa bao giờ thấy ân hận về quyết định “điên rồ” đó. 

Trước khi gắn bó với Trại phong Quả Cảm Bắc Ninh, y tá Nguyễn Thị Xuân là giáo viên mầm non tại địa phương. Thế rồi vào một ngày bà vô tình đọc một cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng”, viết về một linh mục công giáo của Pháp, sau khi đến Việt Nam đã lập ra một trại phong ở Di Linh (Lâm Đồng). Lúc đó trong ý nghĩ của bà xuất hiện trăn trở “người ta là người Pháp mà sang Việt Nam giúp người phong, còn mình thì không làm được gì”.

Ngày chủ nhật, bà Xuân đến thăm Trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh), nơi bà chứng kiến cảnh một cụ ông 84 tuổi (quê ở Hà Tây) đang nằm trong một góc nhà… chờ chết trong cô độc, xung quanh không một bóng người thân. Tiếng khóc lóc, than thân trách phận của cụ thảm thiết và yếu ớt, đứt đoạn, khiến sơ Xuân không thể cầm lòng. Đến khi về rồi bà vẫn day dứt mãi, không sao xóa nhòa được hình ảnh đau lòng. 

Tuần sau, cô giáo viên trẻ Nguyễn Thị Xuân - lúc đó mới 30 tuổi - quyết định trở lại Trại phong Quả Cảm để thăm lại người bệnh nhân già mà cô không hề quen biết kể trên. Thế nhưng tới nơi, thay vì được thăm hỏi, sơ Xuân bàng hoàng khi phải chứng kiến đám tang của cụ ông - bệnh nhân ám ảnh cô suốt một tuần qua.

Lễ tang của cụ không có một người thân nào đến dự, không một vành khăn trắng, chỉ có một vài bệnh nhân phong tàn tật lặng lẽ đem người quá cố lên núi chôn cất, thắp lên mộ một vài nén nhang. Người ra đi trong cô độc, trước lúc chết chỉ có một ước nguyện gặp lại con cháu, anh em lần cuối nhưng không thành, những bệnh nhân đưa tiễn người quá cố cũng cô độc khi nghĩ tới viễn cảnh tương lai của mình… 

Đám tang ấy giống như một “cú sốc” trong cuộc đời của sơ Xuân. Và đó là “sự tình cờ” để đưa đến một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời bà. Ít ngày sau đó, cô giáo Nguyễn Thị Xuân quyết định bỏ nghề dạy trẻ để lên hẳn Trại phong Quả Cảm, tình nguyện làm công việc phục vụ, giúp đỡ bệnh nhân phong.

Người thân, anh em biết ý định của sơ Xuân đều ngăn cản, nhiều người nặng lời nói bà bị “điên”. Ngay với lãnh đạo Trại phong Quả Cảm và những nhân viên, những bệnh nhân đang sinh sống ở đây cũng ngờ vực, dị nghị khi thấy một người con gái trẻ chưa chồng con bỗng nhiên có mặt ở trại phong, tự nguyện làm mọi việc từ việc lau nhà, giặt giũ quần áo đến tắm rửa cho “người hủi”... từ sáng sớm đến tối mịt mỗi ngày.

Trại phong khi ấy có gần 300 bệnh nhân. Cảm động trước sự chân thành, nhiệt tình của sơ Xuân, Giám đốc trại phong khi ấy đã đồng ý cử sơ Xuân vào trại phong Quy Hòa (Bình Định) để học lấy bằng y tá. Kết thúc khóa học, bà trở về nộp đơn xin làm nhân viên của Trại phong Quả Cảm, song Sở Y tế Hà Bắc chưa chấp nhận ngay vì... nghi ngờ và cần xác minh xem vì sao một người con gái chưa chồng lại tình nguyện đi vào “trại hủi” làm những việc mà không ai muốn làm cả.

Lúc này, các bệnh nhân đang điều trị ở trại phong đã cùng ký tên vào “tâm thư” gửi lên Sở Y tế Hà Bắc để xin cho bà vào làm việc chính thức. Và thật bất ngờ, sau lá “tâm thư” của các bệnh nhân, ngày 4-3-1992, y tá Nguyễn Thị Xuân được đặc cách biên chế vào Trại phong Quả Cảm. Đó là kỷ niệm đáng nhớ mà bà luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc lại.

Hơn nửa đời người gắn bó với những người bệnh hủi bị xa lánh ảnh 2Với các bệnh nhân phong ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, y tá Nguyễn Thị Xuân là người thân, là bầu bạn

Đến tuổi nghỉ hưu vẫn xin ở lại cộng tác với trại phong

Từ khi được vào làm chính thức tại Trại phong Quả Cảm - nay là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, y tá Xuân làm việc bằng sự nhiệt tình, bằng tình thương và chiếm được tình cảm của tất cả bệnh nhân sinh sống, điều trị ở đây.

Hầu hết bác sĩ, y tá, nhân viên trại phong đều sống bên ngoài, chỉ y tá Xuân sinh sống luôn trong trại cùng các bệnh nhân nên không chỉ ban ngày mà cả đêm hôm, khi bệnh nhân có việc cần gọi, bà đều có mặt. Cũng vì thế, với các bệnh nhân, sơ Xuân không chỉ là y tá mà còn là người thân, là người để họ tâm sự, thậm chí có bệnh nhân còn làm thơ tặng bà vì mến mộ và cảm động.

Ngày ngày thuốc thang, chăm sóc người bệnh, nhìn cảnh những bệnh nhân cao tuổi già yếu, chân tay bị cụt vì bệnh phong, phải dùng những chiếc xô nhựa, chậu nhựa, hay những thanh gỗ cắt ra làm chân giả, đi lại khó khăn, có khi bật cả máu, y tá Xuân thấy xót xa. Tháng 10-1992, bà quyết định xin lãnh đạo cho vào Bình Dương học một lớp làm chân giả cho bệnh nhân phong. Khoá học chỉ diễn ra trong 3 tháng, chỉ duy nhất bà là phụ nữ.

Trở về trại phong, y tá Xuân được sự hỗ trợ của lãnh đạo trại để thành lập Phòng Chức năng chỉnh hình - nơi chuyên làm các dụng cụ hỗ trợ những đôi bàn tay, bàn chân bị ăn mòn, co quắp cho bệnh nhân phong. Thời gian đầu, công việc chưa thành thạo nên rất khó khăn, nhiều khi chân giả, tay giả làm ra chưa hợp với bệnh nhân nên không sử dụng được, bà cứ tháo ra tháo vào rồi hì hục chỉnh sửa, cải tiến. Dần dần “tay nghề” của bà càng lên cao, những bệnh nhân phong ở trại bị cụt tay, cụt chân đã có những chiếc chân giả, những chiếc xe đẩy hỗ trợ đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. 

Không chỉ giúp đỡ người bệnh phong trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe, y tá Xuân còn là người đã đứng ra tổ chức và kêu gọi sự giúp đỡ, quan tâm của cộng đồng với nhóm người bệnh tật và yếu thế này. Sự chân tình của bà đã giúp nhiều “mạnh thường quân” tìm về với bệnh nhân phong.

Đặc biệt, những năm tháng sống và làm việc ở trại phong, y tá Xuân còn nhiều lần đi đến các trại phong khác giúp đỡ người bệnh, liên kết người bệnh với nhau, làm mối cho nhiều cặp vợ chồng nên duyên. Bà kể, hiện tại bệnh viện còn hơn 10 cặp vợ chồng đang sống hạnh phúc, nhiều thế hệ đã ra đời, có những đứa trẻ sinh ra ở đây đã trưởng thành, lập gia đình riêng, có nhà có con cái đã trở thành thạc sĩ, bác sĩ…

Năm 2012, sau 25 năm làm việc, y tá Xuân đến tuổi nghỉ hưu. Lãnh đạo Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh hỏi bà có nguyện vọng gì không?, bà nói mình chỉ có nguyện vọng xin ở lại giúp cho bệnh nhân vì “ngần ấy thời gian sống với người bệnh phong, chứng kiến hàng trăm mảnh đời mà hầu hết đều đáng thương và cô đơn nên chỉ mong sao được giúp đỡ họ cho đến khi không còn sức lực”.

Sở Y tế Bắc Ninh đã ký hợp đồng cho bà ở lại, thấm thoắt đến nay đã thêm 7 năm bà gắn bó với bệnh viện và bệnh nhân phong. Bà chia sẻ, dù quyết định ở lại của bà gặp sự phản đối của người thân, nhưng bà không một phút do dự khi quyết định “điên” thêm một lần nữa, “điên” trong cái phúc, được làm, được giúp đỡ người bệnh.

Thấm thoắt từ khi nghỉ hưu đến nay đã thêm 7 năm y tá Nguyễn Thị Xuân gắn bó với bệnh viện và bệnh nhân phong. Bà chia sẻ, dù quyết định ở lại của bà gặp sự phản đối của người thân, nhưng bà không một phút do dự khi quyết định “điên” thêm một lần nữa, “điên” trong cái phúc, được làm, được giúp đỡ người bệnh.