Hiểm họa cháy chợ được báo trước

ANTD.VN - Liên tiếp xảy ra các vụ cháy chợ trong thời gian qua cho thấy  nhiều lỗ lổng trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC)... 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn song hầu hết đều do sự bất cẩn của các tiểu thương, cộng với sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng về công tác PCCC.

Xảy nhiều vụ cháy vẫn chưa sợ... lửa

Nếu nói về công tác phòng ngừa cháy chợ đối với các tiểu thương thì phải nói rằng họ rất thờ ơ đáng trách. Khi phóng viên tìm hiểu để thực hiện bài viết này và khi được phỏng vấn về việc PCCC như thế nào, thì hầu hết các tiểu thương đều tỏ ra không hiểu biết một tý gì về công tác quan trọng này. Trong khi đó nhiều hộ kinh doanh còn rất thờ ơ với lửa cho rằng cháy làm sao được! Họ không biết hay không quan tâm tới một điều là lửa sẽ không từ bất cứ một một loại công trình, vật liệu nào nếu như sự bất cẩn của người dân là nguyên nhân mấu chốt. Bởi thực tế đã có nhiều vụ cháy chợ xảy ra, nguyên nhân chỉ xuất phát từ những điều “không tưởng” của người thiếu ý thức như thắp hương rồi đóng cửa sạp hàng ra về và bật điện không tắt trước khi ra về dẫn đến chập cháy...

Lực lượng cứu hỏa chữa cháy tại chợ Quang

Vụ cháy xảy ra vào khoảng 5h40 ngày 21-6, tại chợ Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã thiêu rụi 223 trong tổng số 662 sạp hàng với diện tích 1.000m2, chủ yếu kinh doanh giày dép, vải, quần áo bị cháy rụi.

Ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ một gian hàng bên trong chợ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các gian hàng khác. Diện tích chợ bị cháy chủ yếu buôn bán quần áo, giày dép và các mặt hàng dễ cháy. Do đó, khói lửa từ đám cháy bốc lên dữ dội, cao hàng chục mét. Đến khoảng hơn 7h sáng, lực lượng chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy. Hàng trăm tiểu thương náo loạn tìm cách vận chuyển hàng hóa, tài sản từ trong chợ đến vị trí an toàn. Vụ cháy khu chợ Sóc Sơn đã khiến QL3 qua khu vực chợ trung tâm ùn tắc nhiều giờ.

Ngay sau khi hỏa hoạn được khống chế, nhiều tiểu thương đã kéo đến trụ sở UBND huyện Sóc Sơn để bày tỏ bức xúc và đề nghị lãnh đạo, chính quyền địa phương giải đáp các vấn đề liên quan. Tiểu thương Nguyễn Văn H cho biết: “Lẽ ra vụ cháy không gây thiệt hại lớn như vậy. Ngay khi đám cháy vừa bùng lên, tôi dùng 4 bình cứu hỏa mini dập được lửa ở một ki-ốt. Nhưng khi các ki-ốt khác bốc cháy, tôi lấy hai bình cứu hỏa lớn để chữa cháy nhưng nó không hoạt động”. Tại hiện trường, một số tiểu thương cho rằng, Ban quản lý chợ và lực lượng bảo vệ tại đây thiếu tinh thần trách nhiệm. Họ bức xúc bày tỏ: “Khi xảy cháy, chúng tôi không thấy họ xuất hiện tại đây”.

Trước đó, vụ hỏa hoạn tại khu chợ Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội xảy ra vào 14h chiều 31-3, khiến nhiều tiểu thương rơi vào cảnh nợ nần. Đám cháy xảy ra dữ dội, khói lửa đen kịt, bốc cao ngùn ngụt, người dân đứng từ xa cũng có thể dễ dàng quan sát thấy. Bất lực khi chứng kiến tài sản bị lửa thiêu rụi, nhiều tiểu thương chỉ biết khóc ngất. Một tiểu thương chia sẻ, gia đình có 3 ki-ốt trong chợ đều bị lửa thiêu rụi.

Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 7 - huyện Thanh trì cho biết: “Sau khi lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường cùng người dân tham gia dập lửa, 16h chiều cùng ngày, đám cháy đã bị dập tắt hoàn toàn”. Theo vị chỉ huy này, nguyên nhân vụ cháy có 2 khả năng do chập điện hoặc do tiểu thương thắp hương vì khi xảy cháy là ngày rằm. Chủ cửa hàng vàng mã nơi xảy cháy khóa cửa đi về nên khi phát hiện ra thì ngọn lửa đã bùng phát dữ dội”.

Gần 500 m2 chợ Quang cùng hàng chục ki-ốt bị thiêu rụi 

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Trong nhiều vụ cháy xảy ra trong thời gian qua gây thiệt hại về tài sản rất lớn, nhưng để quy rõ trách nhiệm thuộc về ai thì chưa có. Đây cũng chính là nguyên nhân mà sự thơ ơ với PCCC là căn bệnh nan y khó chữa đối với nhiều người dân. Khi họ có ý định thắp hương, nến hoặc vứt tàn thuốc ra nơi dễ cháy, họ luôn quan niệm rất chủ quan sẽ không thể nào cháy được và hơn nữa cháy cũng không liên quan đến mình.

Theo chỉ huy Phòng chỉ đạo hướng dẫn PCCC thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội: “Luật quy định rất rõ quy trách nhiệm người đứng đầu cơ sở nếu để xảy ra hỏa hoạn, thế nhưng lâu nay việc xử lý trách nhiệm còn hạn chế nếu như cháy chưa có thiệt hại về người. Hơn nữa có những cơ sở gây cháy do chủ quan, tuy nhiên chủ cơ sở bị thiệt hại lớn thì xử phạt cũng khó khăn vì chính tài sản của họ cũng đã bị cháy”. Nói về ý thức an toàn PCCC, chỉ huy Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho hay, những đợt tập huấn, tuyên truyền PCCC cho người dân, tiểu thương đâu phải ai cũng hứng thú, nhiều người chẳng tham gia, thậm chí mời nhiều họ còn tỏ thái độ khó chịu. Thế nhưng, khi xảy ra cháy thì lúc đó lại trách cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm...”.  

Để hạn chế tối đa việc cháy chợ, điều đầu tiên không phải là hệ thống PCCC mà là việc nâng cao ý thức PCCC của các tiểu thương khi kinh doanh trong chợ rất quan trọng. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội nhiều chợ xây dựng lâu đời, cũ kỹ hệ thống trang bị PCCC thiếu đồng bộ, hoặc chỉ lắp đặt được hệ thống PCCC cơ bản. Mặt khác, hàng hóa đa dạng, chủ yếu bắt lửa, dễ cháy lan, cháy lớn. Trong khi người dân thường có thói quen thắp hương, nến tại nơi kinh doanh, sau đó không chờ hết hương mà đã khóa cửa ra về. Đây là ngọn lửa trần rất nguy hiểm, dẫn đến hỏa hoạn bất cứ lúc nào mà không hề hay biết. Hệ thống điện tại các chợ thường thô sơ, nhiều chỗ người dân tự “kéo” điện nên việc chập, cháy là khó tránh khỏi. Kỹ năng PCCC cũng rất quan trọng, nhưng chẳng ai quan tâm học hỏi.

Hàng trăm ki-ốt chợ Sóc Sơn bị thiêu rụi chỉ vì ý thức của người dân đối với PCCC còn kèm

Nhiều tiểu thương lúng túng khi sử dụng bình bọt cứu hỏa chữa cháy tại chỗ. Các kỹ năng dập lửa đối với những trường hợp phát hỏa khác nhau, người dân cũng chưa nắm vững. Khá nhiều vụ việc, người dân dùng nước để dập đám cháy do chập điện, cháy xăng dầu bởi nghĩ đơn giản: “Cứ có lửa là dùng nước dập”.

Đã đến lúc, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức về PCCC để có thể ứng cứu khi trường hợp cấp bách xảy ra. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đường điện, hệ thống báo cháy, họng nước cứu hỏa, các bình chữa cháy tại các chợ để tránh những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về tài sản cho người dân.