Hành trình đi bộ hơn 2.000km về nhà của một lao động nhập cư Ấn Độ

ANTD.VN - Rajesh Chouhan đã đi bộ gần 1.000km trong 5 ngày. Người công nhân 26 tuổi này chân phồng rộp lên nhưng không thể dừng bước, vì còn nửa đường nữa anh mới về đến nhà. Việc các thành phố phong tỏa để ngăn chặn đại dịch đồng nghĩa với khoảng 100 triệu lao động nhập cư từ nông thôn như Chouhan bị mắc kẹt, không có việc làm, thức ăn hay tiền tiết kiệm và đành đi bộ cả nghìn kilomet để về nhà. 

Nhiều người không hoàn thành được hành trình đó. Trong một tai nạn vô cùng thương tâm, 16 lao động đã bị một đoàn tàu chở hàng chẹt qua khi họ ngủ quên trên đường ray sau một ngày đi bộ quá mệt mỏi. Có người chết vì kiệt sức, mất nước hoặc đói. Bất chấp những rủi ro ấy, Chouhan quyết định đi bộ về nhà vào ngày 12-5, vượt qua chặng đường 2.000km từ trung tâm công nghệ Bengaluru, trước đây gọi là Bangalore, đến ngôi làng của anh ở bang miền Bắc Uttar Pradesh.

Hành trình đi bộ hơn 2.000km về nhà của một lao động nhập cư Ấn Độ ảnh 1Rajesh Chouhan, 26 tuổi dẫn đầu đoàn 11 người trên hành trình đi bộ 2.000km về nhà

Tình thế bức bách

Chouhan chuyển đến Bengaluru vào tháng 12 năm ngoái để làm thợ xây trên một công trường xây dựng. Tại làng quê Tribhuvan Nagar, ở biên giới Ấn Độ với Nepal, anh kiếm được 250 rupee (3,3 USD) mỗi ngày, còn tại Bengaluru, mức thu nhập có thể gấp đôi. Chouhan và người anh trai đang làm tại một tiểu bang khác gửi về nhà khoảng 14.000 rupee (185 USD) mỗi tháng - đủ để duy trì gia đình 11 người của họ, gồm cả 2 đứa con nhỏ của Chouhan và cha mẹ già. 

Thời điểm Chouhan, người cháu trai tên Arvind Thakur, 14 tuổi và 9 lao động khác rời khỏi Bengaluru, đất nước đã áp dụng lệnh đóng cửa trong nhiều tuần. Một số dịch vụ đường sắt đã hoạt động trở lại vào ngày 3-5, nhưng thủ tục khá phiền phức.

Các lao động nhập cư được yêu cầu đăng ký kế hoạch đi lại tại các đồn cảnh sát. Đến ngày 5-5, hơn 214.000 người đã đăng ký rời khỏi bang Karnataka thủ phủ là Bengaluru. Tuy nhiên, chỉ có 10.000 người nhận được vé vì dịch vụ xe lửa bị hạn chế. Bên cạnh đó, thông thường, Chouhan mua vé mất 300 rupee (4 USD) cho chuyến tàu 48 tiếng nhưng trong đại dịch, giá đã tăng gấp 4 lần.

Sau 5 ngày chầu chực ở ngoài đồn cảnh sát mà không có cơ hội mua vé, Chouhan cùng một số người cùng  làng đã quyết định đi bộ, nhưng họ không dám báo về gia đình. “Cha tôi bị bệnh tiểu đường nặng và bố mẹ tôi sẽ sốc nặng nếu họ biết chúng tôi đi bộ về nhà mà không có tiền. Tất cả chúng tôi thống nhất nói với gia đình là đang đợi vé tàu”, Chouhan nói.

Chàng thanh niên nghèo sáng 12-5 mang theo ba lô có 4 bộ quần áo, 1 chiếc khăn, 1 tấm ga trải giường cùng với một vài chai nước. Trong ví của anh có 170 rupee (2,25 USD). Sau 46 tiếng, họ đã vượt qua 5 tiểu bang với chặng đường 120km.

Đoàn kết, sợ hãi và… đói khát

Nhóm 11 người của Chouhan có 9 điện thoại di động thông minh, sử dụng Google Maps để tìm đường. Để tiết kiệm pin, chỉ có 1 điện thoại được bật và họ tranh thủ sạc pin khi nào có thể.

Đoạn đầu tiên trong hành trình của họ bắt nguồn từ Quốc lộ 44 chạy dọc theo chiều dài của đất nước từ Tamil Nadu ở phía Nam đến Srinagar ở phía Bắc. Con đường này sẽ đưa họ đến Hyderabad, thành phố 10 triệu dân, là điểm mốc lớn đầu tiên trong hành trình của họ và hy vọng có thể quá giang về nhà.

Khi trời nắng nóng khoảng 40 độ C, đoàn của Chouhan di chuyển với vận tốc khoảng 8 km/h, 2 tiếng nghỉ một lúc, mục tiêu là đi được 110km mỗi ngày. “Chúng tôi đã nhận ra rằng việc đi lại trở nên khó khăn hơn mỗi khi ngồi nghỉ”, Chouhan kể. Trên đường đi, họ gặp các nhóm lao động di cư khác cũng đang hướng về các bang miền Tây nghèo khó Odisha, Chhattisgarh, Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh.

Nhưng đến ngày thứ ba, họ đã không còn được ăn uống đầy đủ như kể từ khi rời khỏi Bengaluru. Mỗi người chỉ có từ 150 rupee (2 USD) đến 300 rupee (4 USD). Bởi vậy, họ mua 20 chiếc bánh quy với giá 100 rupee (1,32 USD) và phát dần. “Chúng tôi phải tiết kiệm từng đồng đề phòng trường hợp cần trong suốt hành trình. Khi bụng sôi réo, chúng tôi sẽ ăn bánh quy để bụng được yên. Nhưng chúng tôi vẫn đói”.

Khoảng 8h sáng hôm đó, họ dừng lại bên Quốc lộ 44, định bụng nghỉ ngơi 1 tiếng nhưng rồi ngủ thiếp đi giữa tiếng ồn của xe tải trên đường cao tốc. Họ tỉnh dậy lúc 4h chiều, cách Hyderabad khoảng 400km. Thấy Hyderabad trong tầm mắt, nhóm của Chouhan đi bộ suốt đêm. Nhưng tới thị trấn Kurnool vào khoảng 10h sáng, họ gặp một trạm kiểm soát của cảnh sát chặn cây cầu để vào thành phố. 

Nhìn xuống, Chouhan thấy một dòng người di cư men theo con đường quanh co dọc bờ sông trong khi hàng trăm người lội qua sông. Chouhan và những người đi cùng do dự - họ không biết bơi. “Đàn ông, phụ nữ, trẻ em, người già đang qua sông. Chúng tôi nghĩ nếu họ có thể làm điều đó, tại sao chúng tôi không thể”. Sau một mùa hè dài và nóng, dòng sông chỉ sâu 1m. Chouhan đặt chiếc túi của mình lên đầu, một trong những người cao nhất nhóm bế cậu bé 14 tuổi nhỏ nhất đoàn. “Chúng tôi rất sợ sẽ bị cuốn trôi, nhưng cứ tự nhủ rằng đây là con đường duy nhất để về nhà. Đoạn đường dài 100m này có lẽ là nỗi sợ hãi nhất mà chúng tôi trải qua trên hành trình này”.

Quay trở lại đường cao tốc, nhóm của Chouhan bị những người lái xe tải đòi tới 2.500 rupee (33 USD) mỗi người để có thể tới Uttar Pradesh. Họ giải thích rằng nếu bị cảnh sát bắt, họ sẽ phải nộp một khoản tiền lớn nên không muốn mạo hiểm. Vì thế, cả đoàn không có lựa chọn nào khác ngoài đi bộ.

Nhưng nhóm lao động di cư này cũng gặp nhiều người tốt. Một lái xe tải đã thương cảm cho họ lên thùng xe chở gạo đi qua ngoại ô thành phố Hyderabad. Đến khu vực 

Telangana-Maharashtra, một dân làng dẫn họ đến trường học nơi các tổ chức phi chính phủ đang phân phát thức ăn và nước uống cho lao động di cư. Hơn 300 người đang ăn thì cảnh sát đến. “Họ quát nạt, bảo chúng tôi không làm theo quy định giãn cách xã hội, yêu cầu mỗi người ngồi cách nhau 2m. Họ cố giải tán đám đông và nói với ban tổ chức ngừng đưa thức ăn. Nhưng những người di cư đông hơn cảnh sát, họ phản kháng”.

Niềm vui đoàn tụ và trăn trở

Vào ngày thứ 5 của hành trình, cả nhóm vô cùng sợ hãi khi cậu bé Arvind Thakur bị sốt. Rất may là Thakur không ho hay mệt mỏi. Cậu được uống thuốc hạ sốt và cảm thấy tốt hơn. Nhưng trên đường đi bộ dọc cao tốc, mối lo đại dịch không phải là cao nhất mà thay vào đó là đói, khát, kiệt sức và đau đớn. Tính đến ngày 24-5, một thống kê sơ bộ cho thấy, Ấn Độ đã có 244 ca tử vong là người lao động di cư đi bộ về nhà, nguyên nhân do đói, kiệt sức hoặc gặp tai nạn.

 Chouhan đi qua Maharasthra tới bang Madhya Pradesh vào ngày thứ 6 của hành trình. Ở Madhya Pradesh, họ đã đi nhờ máy kéo, xe buýt và xe tải, được người dân cho thức ăn và nước tắm. 2 ngày sau, họ đến biên giới bang quê nhà Uttar Pradesh. Quãng đường chỉ còn 350km. “Chúng tôi quên đi nỗi đau của mình. Cảm giác như đã về nhà”, Chouhan nói. 

Đến Prayagraj, một địa điểm tâm linh nổi tiếng trong vùng, cả nhóm ùa xuống ngâm mình trong làn nước mát lạnh và cầu nguyện được về nhà sớm. Ngày đi bộ thứ 9, họ đã đến thủ phủ Lucknow, cách nhà 128km nữa. Lần đầu tiên kể từ khi rời chỗ làm, Chouhan mua đồ ăn và gọi điện về nhà. “Chúng tôi nói đi bằng tàu hỏa đến Uttar Pradesh và chỉ khoảng 1 ngày là về tới nhà”.

Nhưng càng về cuối, cả đoàn càng mệt mỏi. Cách nhà 30km, Thakur kiệt sức ngã sấp mặt xuống đường nhựa. Cả nhóm đổ nước lên mặt cậu bé cho tỉnh. Sau đó, chỉ cách nhà khoảng 3km, lẽ ra họ bỏ chạy khi thấy cảnh sát nhưng do quá yếu, không còn sức để chạy, họ được đưa vào khu cách ly.

Chouhan nói rằng anh đã giảm 10kg trong 10 ngày đi bộ liên tục. Bàn chân của anh sưng phồng đến  tắm cũng cảm thấy đau đớn. Vào ngày 24-5, gia đình Chouhan được phép vào thăm. Hai đứa con lao về phía anh và họ ôm nhau thật chặt. Khi đó, Chouhan không còn cảm thấy đau đớn. Anh được phép về thăm nhà và đến hiệu thuốc mua thuốc bằng tiền đi vay. Vậy mà ngày 25-5, bi kịch ập đến. Salman, 31 tuổi, 1 trong số 11 người đi bộ cùng Chouhan từ Bengaluru, đã được về nhà vài ngày rồi bị rắn cắn. Anh chết trên đường đến bệnh viện.

Nhìn ngôi nhà mái tranh cả gia đình đang sống, Chouhan lại cảm thấy nao lòng. Anh nhận ra rằng sự nghèo túng của gia đình, sự đói khát và túng quẫn của người dân quê hương đồng nghĩa với việc anh cuối cùng phải ra thành phố kiếm việc. “Khi rời khỏi Bengaluru, tôi tự nhủ không bao giờ quay trở lại. Nhưng hiện giờ, tôi đang chờ một vài tuần để xem các hạn chế có được nới lỏng hay không trước khi ra thành phố làm việc”.

Tính đến ngày 24-5, một thống kê sơ bộ cho thấy, Ấn Độ đã có 244 ca tử vong là người lao động di cư đi bộ về nhà, nguyên nhân do đói, kiệt sức hoặc gặp tai nạn. Trong một tai nạn vô cùng thương tâm, 16 lao động đã bị một đoàn tàu chở hàng chẹt qua khi họ ngủ quên trên đường ray sau một ngày đi bộ quá mệt mỏi.