Hà Nội: Hơn 2.100 tỷ đồng "rót" cho bệnh viện huyện, 84% người bệnh hài lòng

ANTD.VN - Trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, thành phố đã đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở các huyện ngoại thành. Tổng kinh phí đầu tư cho các trạm y tế xã, các bệnh viện huyện lên tới 2.135 tỷ đồng…

Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh được xây mới rất khang trang

Bệnh viện tuyến huyện  thực hiện được kỹ thuật cao

Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh là một trong những bệnh viện huyện của Hà Nội được đầu tư xây dựng mới trong 10 năm qua, sau khi Mê Linh thực hiện chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính từ một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất về Hà Nội vào năm 2008. Với cơ sở hạ tầng rất khang trang, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, lượng người bệnh tin tưởng đến khám, nhất là điều trị nội trú tại đây đã tăng nhanh.

Bà Hoàng Thị Đặt (Mê Linh, Hà Nội) là một trong những bệnh nhân thường xuyên phải vào viện khám chữa bệnh, chia sẻ, từ khi Bệnh viện Đa khoa Mê Linh được xây mới, từ khu vực chờ khám rộng rãi, có quạt mát, hàng ghế ngồi mới, nhà vệ sinh cũng sạch sẽ hơn, khiến bà và những người bệnh khác rất hài lòng, khác hẳn với tình trạng chật chội như cơ sở cũ.  

Cảm nhận của người bệnh có thể chỉ đơn giản là cơ sở hạ tầng như bà Đặt nêu ra, song sự thay đổi về chất lượng khám chữa bệnh mới là yếu tố then chốt giúp tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến đã giảm nhiều so với trước đây.

Bác sĩ Đặng Trung Kiên, khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Đa khoa Mê Linh chia sẻ, từ khi được đầu tư hệ thống máy móc mới, rất hiện đại trong chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ của bệnh viện đã có thể chẩn đoán tốt được những bệnh mà “trước đây rất khó chẩn đoán chính xác”.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, vốn là bệnh viện hạng 2 của tỉnh Hà Tây (cũ), cũng đã được nâng cấp, cải tạo rất nhiều trong 10 năm qua và trở thành 1 trong 3 bệnh viện hạng 1 của thành phố Hà Nội.

Bác sĩ Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện đã có sự thay đổi “cả về lượng lẫn chất” cao hơn hẳn, đặc biệt là chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ không ngừng được cải thiện.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung nêu rõ, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, tăng cường và đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng cao, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân khu vực ngoại thành.

Đặc biệt, đến nay các bệnh viện đa khoa tuyến huyện của Hà Nội đều đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của nhân dân trên địa bàn, nhiều bệnh viện đã thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật cao.

Hiện nay, 100% bệnh viện huyện đã thực hiện mổ nội soi, nhiều bệnh viện đã thực hiện được mổ sọ não… Nhờ đó, số bệnh nhân nội trú vượt tuyến, chuyển tuyến lên tuyến trên đã có xu hướng giảm đáng kể.

84% người bệnh hài lòng

Hà Nội: Hơn 2.100 tỷ đồng "rót" cho bệnh viện huyện, 84% người bệnh hài lòng ảnh 2

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền trao đổi với người dân để kiểm tra sự hài lòng người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình

Nhìn lại năm 2008, sau khi hợp nhất về Hà Nội, hệ thống y tế cơ sở ở khu vực các huyện ngoại thành của Hà Nội, bao gồm cả các trạm y tế xã, thị trấn lẫn bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực còn rất hạn chế. Vì thế, việc đầu tư nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm suốt 10 năm qua.

Đến nay, các bệnh viện huyện của Hà Nội đều đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Một số bệnh viện được đầu tư và nâng cấp mở rộng như Bệnh viện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Vân Đình.

Nhiều bệnh viện xây mới như Bệnh viện Sóc Sơn, Đông Anh, Phúc Thọ và Gia Lâm. Hiện thành phố cũng đang triển khai xây dựng mở rộng Bệnh viện huyện Ba Vì và chuẩn bị cho công tác đầu tư Bệnh viện huyện Thường Tín.

Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ năm 2008 đến hết 2017, tổng cộng có tới 24 bệnh viện huyện, trung tâm y tế (TTYT) huyện ở khu vực ngoại thành Hà Nội được xây dựng mới với tổng kinh phí lên tới trên 1.282 tỷ đồng. Đồng thời, có 24 bệnh viện, TTYT huyện được nâng cấp với tổng kinh phí trên 374 tỷ đồng; 77 trạm y tế xã, phường, thị trấn được xây dựng mới với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng…

12/18 bệnh viện tuyến huyện được đầu tư xây dựng tòa nhà kỹ thuật từ 5 đến 9 tầng. Các phòng khám đều được nâng cấp, có 10 phòng khám được xây mới. Cùng đó, từ 2008 đến 2017, tổng kinh phí mà Hà Nội đã đầu tư cho trang thiết bị y tế tuyến cơ sở lên tới 500 tỷ đồng… Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở của thành phố từ 2008 đến nay là trên 2.135 tỷ đồng.

Kết quả của sự đầu tư nói trên thể hiện rõ nhất qua số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh đều trên 100%...

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua khảo sát năm 2017, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng và rất hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh ở cả bệnh viện công lập và bệnh viện tư của thành phố là 84%; tỷ lệ này ở khu vực điều trị nội trú còn cao hơn, lên tới 91%.

“Chúng tôi cho rằng, chỉ số đánh giá sự hài lòng người bệnh chính là thước đo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh” – bà Hà nói.

Dân số vẫn tăng nhanh, mất cân bằng giới tính ở ngoại thành cao

Về công tác dân số, Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, dân số của Thủ đô là 6,35 triệu người, đến nay đã tăng lên 7,5 triệu người. Công tác dân số được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thành phố nhằm giảm tỷ suất sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng giống nòi.

Dù vậy, hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Dân số đông, hàng năm có trên 115.000 trẻ được sinh ra, cùng với người di cư đến Hà Nội tăng; tỷ suất sinh thô ở các vùng nông thôn còn cao hơn tỷ lệ chung của thành phố 16%o; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cũng còn cao, đang ở mức 114,5 trẻ nam/100 trẻ nữ (tỷ lệ chung của thành phố là 113,5 trẻ nam/ 100 trẻ nữ)…