Hà Nội: Chuyên gia đánh giá kết quả xử lý nước hồ ô nhiễm bằng Redoxy – 3C

ANTD.VN - Ngày 6-3, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện xử lý ô nhiễm các hồ nội và ngoại thành bằng chế phẩm Redoxy – 3C.

Xư lý hồ ô nhiễm hồ ở huyện Chương Mỹ bằng chế phẩm Redoxy - 3C

Theo kết quả quan trắc của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, có 120/122 hồ nội thành, 140/150 hồ ngoại thành Hà Nội bị ô nhiễm mặt nước.

Trước đây Hà Nội đã áp dụng nhiều công nghệ xử lý ô nhiễm hồ như: thủy vực; cơ sinh – hóa học; tổ hợp sinh học kết hợp kết tủa… tuy nhiên các phương pháp này đều phức tạp với nhiều bước mất thời gian và trung bình từ 15-20 ngày mới có hiệu quả xử lý.

Qua nhiều trao đổi, lựa chọn, Hà Nội đã quyết định đưa chế phẩm Redoxy – 3C vào thử nghiệm tại Trung tâm thử nghiệm môi trường nước. Kết quả cho thấy Redoxy – 3C là chế phẩm thân thiện với môi trường, cho kết quả xử lý nhanh ngay sau 24h với cách thực hiện đơn giản chỉ cần 1 bước.

Sau khi thử nghiệm ở các hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu với kết quả rõ rệt, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã được UBND TP cho phép triển khai nhân rộng. Đến nay Công ty đã xử lý, duy trì chất lượng nước 86 hồ nội thành; 44 hồ ngoại thành.

Trước khi xử lý, nước các hồ ô nhiễm đều có màu đen hoặc xanh đậm, có mùi hôi thối, bị ô nhiễm hữu cơ, chỉ tiêu Coliform vượt ngưỡng cho phép nhiều lần… thì sau khi sử dụng Redoxy – 3C, nước các hồ đã không còn mùi khó chịu, không bị ô nhiễm hữu cơ, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh…

Các mẫu nước hồ Hoàn Kiếm đang được thử nghiệm xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy - 3C

Tuy nhiên, Công ty thoát nước cho biết 44 hồ có tình trạng tái ô nhiễm vì không đươc vận hành theo quy trình đã khuyến cáo, vẫn tiếp nhận các nguồn ô nhiễm…

Công ty thoát nước kiến nghị thành phố cho phép triển khai lắp đặt các thiết bị tách dầu mỡ tại các cửa cống xả vào các hồ; xây dựng quy chế quản lý nước hồ sau xử lý; đẩy mạnh công tác quản lý cấp phép xả thải vào hồ; bổ sung các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng…

Tại hội nghị, các nhà khoa học đều đánh giác cao cách làm của thành phố. GS. TS Trần Hiếu Nhuệ (chuyên ngành cấp thoát nước) cho biết thêm, so với các phương pháp trước đây thì cách làm này hiệu quả rõ ràng hơn nhiều.

“Kết quả từ phòng thí nghiệm đến thực tế đều rất tích cực. Quan trọng là cần chú trọng đảm bảo đúng quy trình và quản lý tốt sau khi xử lý để không tái ô nhiễm. Về lâu dài, chúng ta cần nâng cao vai trò cộng đồng và kiện toàn hệ thống quản lý bảo vệ môi trường”, GS Trần Hiếu Nhuệ chia sẻ.

Các nhà khoa học cũng đề nghị cần tổng kết việc thực hiện làm sạch các hồ bằng chế phẩm Redoxy – 3C thành công trình khoa học với đẩy đủ quy trình, kinh nghiệm…