Hà Nội: Chênh lệch giới tính giảm nhẹ, nhiều huyện ngoại thành vẫn ở mức nghiêm trọng

ANTD.VN - Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội khẳng định, hành vi siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi là vi phạm pháp luật. Thực tế này vẫn đang tồn tại nhưng rất khó để xử lý, thậm chí hết thanh tra lại phúc tra cũng không phát hiện được trường hợp nào.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội thông tin đến báo chí

6 tháng đầu năm, gần 3.600 trường hợp sinh con thứ ba

Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, sau nhiều nỗ lực trong công tác dân số, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái trong 6 tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, ước tính hết 6 tháng đầu năm nay, tổng số sinh trên toàn thành phố vào khoảng xấp xỉ 32.500 trẻ, trong đó số trẻ là con thứ 3 trở lên khoảng gần 3.590 trẻ; tỷ số giới tính khi sinh là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến đến hết năm 2019 tỷ số này không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái như chỉ tiêu đã đặt ra.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, sau 3 năm kiên trì thực hiện các giải pháp đề ra tại Kế hoạch Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025 như: vận động không sinh con thứ ba, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, tuyên dương các gia đình sinh con một bề gái... tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm và được kiểm soát tốt hơn.

“Kết thúc năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội là 113 trẻ trai/ 100 trẻ gái, lần đầu tiên hạ xuống mức thấp hơn bình quân của cả nước (113,2 trẻ trai/ 100 trẻ gái) sau nhiều năm luôn ở mức cao hơn" – ông Tạ Quang Huy chia sẻ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Mê Linh... tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, thậm chí một số huyện vẫn ở mức báo động. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Sóc Sơn lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái, Quốc Oai là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, Phú Xuyên là 100 trẻ trai/100 trẻ gái được sinh ra…

Một buổi lễ tuyên dương các gia đình sinh con một bề gái tại quận Long Biên

Hết thanh tra lại phúc tra cũng không phát hiện vi phạm

Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, công tác quan trọng hàng đầu để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh là vận động, tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của người dân, các cặp vợ chồng trẻ về bất bình đẳng giới tính. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng rất khó khăn.

Bà Trần Thị Thúy Miên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn – địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất của Hà Nội hiện nay – chia sẻ, nhiều năm qua, huyện đã triển khai, phối hợp triển khai tuyên truyền với hình thức rất đa dạng, tập trung vào các xã có mức chênh lệch giới tính cao.

Song nhìn lại từ năm 2010 đến nay, nhiều xã như Tân Dân, Việt Long, Tiên Dược, thị trấn Sóc Sơn… tỷ số giới tính hầu như không giảm hoặc trồi sụt, tức năm nay giảm thì năm sau lại cao. Đây cũng là vấn đề khiến địa phương rất… đau đầu.

Một giải pháp quan trọng nữa là giám sát, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính khi sinh, nhất là ở các phòng khám tư, song biện pháp này dường như cũng không phát huy được hiệu quả. Đây là hành vi vi phạm quy định nhưng thực tế rất khó phát hiện.

Ông Tạ Quang Huy cho biết, thành phố đã phân cấp rất rõ cho các quận huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi. Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã của thành phố 6 tháng đầu năm nay không phát hiện được trường hợp nào vi phạm.

Tiếp đó, Chi cục DS-KHHGĐ cũng đi phúc tra và kiểm tra điểm tại một số nơi. “Thậm chí, chúng tôi cũng cử cán bộ đóng vai khách hàng để thị sát tại một số cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhưng cùng không phát hiện được vi phạm. Phải nói thực sự là phát hiện rất khó vì các cơ sở lách luật rất tinh vi” – ông Tạ Quang Huy nói.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, tới đây, đơn vị này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tại một số nhà sách trên địa bàn thành phố, nếu phát hiện các tài liệu, sách hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi sẽ xử lý.

Nhiều quận, huyện thiếu cán bộ dân số sau khi sáp nhập bộ máy

Ông Tạ Quang Huy cho biết, từ 1-8-2018 đến nay, sau khi hoàn tất việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ của các quận, huyện, thị xã vào Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã, bên cạnh những điểm thuận lợi, tích cực như tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì cũng xuất hiện nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nhân sự.

Lý do vì trước kia Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc các quận huyện, khi sáp nhập vào TTYT thì có tình trạng nhiều cán bộ đã gắn bó lâu năm ở quận huyện mong muốn ở lại quận huyện, không muốn về TTYT.

Về giải pháp, tới đây Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội sẽ tham mưu tăng cường việc tuyển dụng đúng cán bộ dân số để bổ sung cho các quận, huyện đang thiếu, đồng thời tăng cường tập huấn, đào tạo cho cán bộ được điều động tham gia công tác dân số.