Giáo dục trẻ mầm non – Trách nhiệm không của riêng giáo viên

ANTD.VN - Giai đoạn từ 2 đến dưới 6 tuổi là thời kỳ rất quan trọng để trẻ hình thành tư duy, thể chất, nâng cao sức đề kháng. Để trẻ phát triển toàn diện cả trí và lực, gia đình và nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Trong đó, vai trò của bố mẹ phải được đặt lên hàng đầu, thay vì phó mặc cho giáo viên mầm non dạy dỗ.

Áp lực của giáo viên mầm non

Thời gian vừa qua liên tục xảy ra những vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ, mất niềm tin ở phụ huynh mà còn làm cho hình ảnh về nghề giáo bị nhem nhuốc. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, thực tế vẫn còn rất nhiều cô giáo chăm sóc, dạy dỗ trẻ xuất phát từ tình yêu thương.

Giáo viên mầm non là công việc không hề dễ dàng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2020 số lượng trẻ em Việt Nam vào khoảng 5,6 triệu bé. Tuy nhiên, số lượng trường công lập lại không đáp ứng được nhu cầu của các bậc làm cha làm mẹ. Mỗi lớp mẫu giáo, thường có số lượng rất đông, từ 30-60 cháu, khiến các cô giáo phải đối mặt với nhiều áp lực, phải đảm nhiệm nhiều công việc: Từ ăn, ngủ đến học hành…, từ bảo mẫu, người dọn dẹp… đến người dạy học. Tuy nhiên, mức lương khởi điểm của giáo viên ở trường công lại rất thấp, khoảng 1,86, nên họ phải làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập

Áp lực của giáo viên mầm non. Nguồn: VTV

Cha, mẹ ở đâu trong giáo dục trẻ mầm non?

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, môi trường giáo dục của trẻ, đặc biệt ở độ tuổi dưới 6. Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng để hình thành nhân cách, suy nghĩ, cách ứng xử của trẻ. Trẻ quan sát một cách vô thức và sao chép lại những hình ảnh chúng được chứng kiến và bắt chước cách xưng hô, thể hiện tình cảm như người lớn. Vì vậy, trẻ nhỏ chính là bản sao của chính cha mẹ, người thân gắn bó trực tiếp của chúng.

Trẻ con là bản sao của bố mẹ. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, áp lực từ cuộc sống “cơm áo, gạo tiền”, đến tuổi thứ 3, cha mẹ nào cũng muốn tìm cho con cái họ một trường mầm non để con vừa học hành, vui chơi, mở mang hiểu biết và họ có thời gian để làm việc. Thế rồi, họ phó mặc cho giáo viên dạy dỗ, mà quên mất rằng mình cũng phải là một người thầy ở nhà của con. Để rồi, hễ giáo viên có quát, đánh con mình thì lại sửng cổ, chỉ trích thậm chí là thóa mạ họ. Dẫu biết, thương con là bản tính của cha mẹ, nhưng thương con phải biết dạy con cư xử đúng cách.

Cha mẹ phải trở thành người đồng hành cùng con trong giai đoạn vàng đầu đời. Ảnh minh họa

Cha, mẹ cần có cái nhìn bao dung hơn với giáo viên và giáo viên cần làm tốt vai trò của mình, xuất phát từ tình yêu thương và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Dạy trẻ thời kì 4.0

Giai đoạn đầu đời của trẻ rất quan trọng, đây là nền tảng để phát triển cả thể chất và tinh thần. Dạy trẻ thời kì 4.0 thực sự rất khó, chính vì thế gia đình và nhà trường cần định hướng rõ ràng kiên nhẫn khi giáo dục trẻ mầm non.

Dạy trẻ yêu thích việc học, tự học

Đây là cách để con trẻ tự khám phá dựa trên khả năng tư duy. Cha mẹ cần quan sát xem sở thích của con là gì để có định hướng trong việc dạy con. Và lẽ tất nhiên, cha mẹ phải là người đồng hành cùng con trong cuộc hành trình tìm tòi những điều mới lạ này.

Dạy trẻ tự giải quyết vấn đề khó khăn

Khi đứng trước một việc khó giải quyết hãy để trẻ tự đưa ra phương án, trên cơ sở những gợi ý của cha mẹ. Việc này sẽ giúp con chủ động trước mọi tình huống và không ỷ lại, hay đổi lỗi cho bất kỳ ai khi phạm lỗi.

Dạy trẻ tiếp cận với công nghệ khoa học

Đây là một phương pháp đòi hỏi cha mẹ, giáo viên phải hiểu biết và tự kiểm soát được nhưng công cụ hỗ trợ này. Đưa giáo dục công nghệ trở thành một lĩnh vực mới đối với sự phát triển của trẻ. Bằng cách: Đưa tính chất gây nghiện của game vào học tập (trò chơi hóa học tập – Gamification), cho trẻ tiếp xúc với những chương trình hội thảo về công nghệ, robot lập trình, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của trẻ với công nghệ…

Dạy con cách tiếp cận với công nghệ một cách chủ động, khoa học. Ảnh minh họa

Trong thời kì vàng đầu đời, trẻ con cần sự quan tâm dạy dỗ, chăm sóc kĩ lưỡng của cả cha, mẹ và giáo viên. Vì thế, đừng phó mặc trẻ cho giáo viên, bố mẹ hãy trở thành một người giáo viên mẫu mực vì sự phát triển toàn diện của con cái mình.