Giảm giờ làm tiêu chuẩn xuống 44 giờ/tuần, liệu có tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

ANTD.VN - Đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn ở khu vực doanh nghiệp từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp, người lao động và dư luận xã hội.

 

Giảm giờ làm việc chính thức trong tuần khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Báo cáo về những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cơ quan soạn thảo cho biết, ngoài phương án quy định giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần (tức làm việc 6 ngày/tuần, chỉ nghỉ Chủ nhật) như luật hiện hành, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được bổ sung thêm phương án thiết kế theo nguyện vọng của đa số người lao động là chỉ làm 44 giờ/tuần (làm việc 5,5 ngày trong tuần).

Về phía đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, với mục đích cải thiện sức khỏe, tinh thần cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, sau 20 năm khu vực nhà nước áp dụng giờ làm việc 40 giờ/tuần, đã đến lúc xem xét giảm giờ làm cho người lao động.

Việc giảm giờ làm chính thức trong tuần nhằm hướng tới bình đẳng với khu vực hành chính và xu hướng chung hiện nay của thế giới với mục tiêu thúc đẩy các biện pháp tăng năng suất lao động, việc làm đầy đủ và tạo dư địa mở rộng khung làm thêm giờ cho một số ngành nghề, lĩnh vực có nhu cầu.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Hiệp hội các doanh nghiệp lại phản ứng mạnh vì cho rằng giảm giờ làm sẽ tạo ra gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp làm tăng chi phí sản xuất cũng như giảm sức hút đầu tư của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, việc giảm giờ làm chính thức xuống còn 44 giờ/tuần thì giờ làm thêm sẽ tăng lên và tính lương theo lũy tiến thì sẽ là gánh nặng thêm cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về chi phí lao động của Việt Nam ngày càng tăng cao sau khi quy định về giảm giờ làm việc được ban hành, nhất là trong bối cảnh các mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam đang đứng ở mức cao trong khu vực và lương tối thiểu vùng ở Việt Nam tăng đều qua các năm.

Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thể rút khỏi Việt Nam và các doanh nghiệp khác đang dự kiến đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác trong khu vực thay vì đầu tư tại Việt Nam.

Theo một tính toán của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, ngay cả khi Việt Nam quy định về thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần thì các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề như: dệt may, thủy sản, da giày đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 300 giờ/năm theo quy định.

Thậm chí, có doanh nghiệp vi phạm quy định về giờ làm thêm để có thể giao hàng đúng hạn, tránh bị phạt hợp đồng hoặc phải giao hàng bằng máy bay. Nếu giảm từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm chi phí cho 4 giờ/tuần từ thời gian làm việc bình thường sang trả lương theo giờ làm thêm tối thiểu 150%; 200%; 300% đơn giá tùy theo ngày làm thêm. Đối với 1 doanh nghiệp quy mô 2.000 lao động sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Theo các đánh giá sơ bộ của cơ quan soạn thảo, việc giảm giờ chính thức trong tuần xuống 44 giờ/tuần sẽ tỷ lệ thuận với sức khỏe, tiền lương và năng suất lao động theo giờ của người lao động; nhưng sẽ tỷ lệ nghịch với năng suất lao động tổng thể trong năm, với chi phí, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng GDP.

Việc tính toán làm sao để hài hòa lợi ích các bên đối với đề xuất giảm giờ làm việc chính thức là một vấn đề phức tạp. Cho nên cần nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ để làm căn cứ quyết định quy định cụ thể.