Dự án Công viên nước Thanh Hà: Công bố quyết định thanh tra trách nhiệm phường, quận

ANTD.VN - Chiều 19/2, Thanh tra TP Hà Nội đã tổ chức công bố quyết định về việc thanh tra trách nhiệm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà (quận Hà Đông).

Thanh tra trách nhiệm trong 10 ngày

Chiều 19/2, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội đã tổ chức công bố quyết định về việc thanh tra trách nhiệm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà.

Theo đó, Thanh tra TP lập Đoàn thanh tra gồm 5 thành viên, do ông Nguyễn Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Thanh tra 2 làm trưởng đoàn. Đoàn có nhiệm vụ thanh tra trách nhiệm của UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà; quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Thời gian thanh tra từ ngày 19/2 đến ngày 29/2/2020.

Cũng liên quan tới vụ việc này, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản nêu rõ, đã nhận được đơn kiến nghị của Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5; Văn phòng Chính phủ chuyển đơn này tới UBND TP Hà Nội để xem xét, giải quyết theo quy định.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản chỉ đạo thanh tra làm rõ trách nhiệm UBND các cấp phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà; làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật, đề xuất các biện pháp xử lý; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra đến Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 29/2/2020.

Nhiều máy móc, thiết bị trong Công viên nước chỉ còn là đống sắt vụn

“Tháo dỡ” hay “phá dỡ” đều không phải là phá hủy

Xung quanh sự việc cưỡng chế vi phạm tại công viên nước Thanh Hà, dư luận đang tranh luận nhiều xung quanh việc hoạt động thực thi công vụ của UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông là “tháo dỡ” hay “phá dỡ” dù hệ quả là toàn bộ máy móc, thiết bị trong khuôn viên công viên coi như vứt bỏ, không thể sử dụng lại.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức chiều 19/2, dưới góc nhìn pháp lý, ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, “tháo dỡ” hạng mục, công trình vi phạm là chế tài được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Tuy nhiên, theo Nghị định hướng dẫn thi hành luật này trong lĩnh vực xây dựng, chế tài này lại được ghi là “phá dỡ”.

“Khi thảo luận dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nhiều ý kiến đã tranh luận nên để “tháo dỡ” hay “phá dỡ”. Và lúc đó, các vị đại biểu Quốc hội đã lựa chọn phương án “tháo dỡ”. Nói về hiệu lực pháp lý, thì trong cùng lĩnh vực, luật phải cao hơn” - ông Thảo phân tích.

Tuy nhiên, dù là “tháo dỡ” hay “phá dỡ”, ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, không thể hiểu là đập phá, phá hủy: “Tôi là người nghiên cứu về lập pháp và ở đây, “tháo dỡ” hay “phá dỡ” là việc dỡ bỏ công trình, thiết bị đã xây dựng không phép hoặc trái phép để khôi phục tình trạng ban đầu hoặc sử dụng vào mục đích khác, không có nghĩa là phá hủy. Phá hủy các thiết bị kèm theo càng không đúng, không pháp luật nào cho phép anh phá dỡ theo nghĩa là đập phá.

Ngoài ra, cần phải bảo đảm, bảo quản phương tiện, tang vật tức là tài sản liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật để xử lý theo đúng quy định và không được tiêu hủy, hủy hoại tài sản trên công trình xây dựng có vi phạm”.

“Như vậy, dù hiểu theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hay theo Nghị định hướng dẫn thi hành, chế tài “phá dỡ” tuyệt đối không được hiểu theo nghĩa đập phá, hủy hoại, nhất là đối với các tài sản, trang thiết bị gắn liền với công trình vi phạm” - ông Thảo nhấn mạnh thêm.

“Phá xong để đấy trông còn phản cảm, đau lòng hơn…”

Cũng về chủ đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Tôi đặt vấn đề là “tháo” và “phá” có cần thiết tại thời điểm đó (sát Tết Nguyên đán - PV) không? Nếu công trình vi phạm này liên quan đến quốc phòng - an ninh thì ngay lập tức phải xử lý, nhưng đây chỉ là công viên thì có cần cấp bách đến vậy không? Có thể gia hạn cho người ta tự tháo dỡ hệ thống máy móc, thiết bị không, vì đây là tài sản người ta còn sử dụng lại được?

Bây giờ tới đập phá như hiện nay thành một đống ngổn ngang chẳng sử dụng được vào việc gì nữa thì có cần thiết không? Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi như vậy và cá nhân tôi cho rằng việc phá như vậy là không cần thiết. Bây giờ phá xong rồi khu đất đó có làm gì đâu, để đấy thôi, trông còn phản cảm, đau lòng hơn…”.

“Công trình vi phạm mà chủ đầu tư không phá dỡ, buộc Nhà nước phải cưỡng chế, thì anh còn mất thêm tiền. Tuy nhiên, hệ thống máy móc, thiết bị vẫn phải bảo đảm cho người ta. Đó là tài sản của xã hội, do người dân, doanh nghiệp làm ra chứ đâu thể đập phá tan tành như vậy. Tôi cho rằng cưỡng chế như thế chưa có sự cân nhắc đầy đủ các khía cạnh” - ông Nhưỡng nói thêm.