Đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn quy định là vi phạm pháp luật

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gần đây, do hoàn cảnh khó khăn, tôi dự định thỏa thuận với công ty sẽ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn mức hiện tại. Xin hỏi luật sư, tôi có thể thực hiện việc này không?Lê Đức Hùng (Hưng Yên)

Đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn quy định là vi phạm pháp luật ảnh 1Cần đóng bảo hiểm xã hội theo đúng mức quy định  (Ảnh minh họa)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời: 

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định tại Điều 89 - Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể: “Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở”. 

Tương tự, khoản 2 và 3 điều luật này cũng quy định: “Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở".

Đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn quy định là vi phạm pháp luật ảnh 2Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh Đ/c: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Theo quy định trên thì từ ngày 1-1-2018 trở đi, bạn phải đóng bảo hiểm xã hội trên tổng tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác mà bạn thực nhận hàng tháng. Trong số 3 khoản trên, các khoản bổ sung khác được hiểu là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động (điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23-6-2015)

Trường hợp nếu bạn thỏa thuận với công ty nơi bạn làm việc để đóng BHXH thấp hơn mức hiện tại, bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10- 2015 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. Theo đó: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định”.

Ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, bạn còn bị buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng... Như vậy, dù đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bạn cũng không nên tìm cách đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn mức lẽ ra phải đóng để tránh nguy cơ bị pháp luật xử lý.