Đỗ xe ô tô tải đầu kéo rơ-moóc không đúng quy định khiến nạn nhân tử vong phạm tội gì?

ANTD.VN - Khoảng 22h30, Hoàng Anh K (SN 1978) điều khiển xe ô tô tải đầu kéo kéo theo rơ-moóc chở ghế gỗ lưu thông trên quốc lộ 1A đến gần khu vực trạm thu phí, mặc dù thấy biển báo “cấm dừng xe và đỗ xe” nhưng K vẫn cho xe dừng lại đỗ xe sau biển báo để ngủ vì cho rằng gần trạm thu phí có nhiều đèn điện nên tránh được việc mất trộm tài sản. 

Khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông

Nội dung vụ việc

Khoảng 0h10, anh Nguyễn Hoàng T (SN 1988) điều khiển xe mô tô đã đâm vào sau rơ-moóc xe khiến anh T tử vong tại chỗ. Khi nghe tiếng động, K xuống xe kiểm tra thì thấy anh T đã tắt thở, K hoảng hốt điều khiển xe rời khỏi hiện trường. Sau đó, cơ quan công an phát hiện và mời K tới làm việc thì K mới thừa nhận hành vi của mình.

Vấn đề đặt ra ở đây là hành vi của Hoàng Anh K đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội: Cản trở giao thông đường bộ 

Theo tôi trong vụ việc này, Hoàng Anh K đã phạm tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì K đã đỗ xe ven đường để ngủ nên tôi cho rằng xe ô tô tại thời điểm xảy ra tai nạn phải xác định là chướng ngại vật đặt ở trên đường gây cản trở đến giao thông đường bộ. Việc xe ô tô của K đỗ trái phép đã làm che khuất tầm nhìn của T khiến T đâm vào đuôi xe ngã tử vong. Vì vậy theo tôi cần truy tố xét xử K về tội danh “Cản trở giao thông đường bộ”.

  Nguyễn Ánh Huyền (Nha Trang - Khánh Hòa)

Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Tôi cho rằng hành vi đỗ xe Hoàng Anh K dẫn đến cái chết của Nguyễn Hoàng T đã phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015. Có thể thấy, Hoàng Anh K đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ vì khi cho xe ô tô dừng, đỗ tại nơi cấm dừng, đỗ và không có tín hiệu thông báo… Vì vậy, trong trường hợp này K đã có lỗi, lỗi này cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả là anh Nguyễn Hoàng T đâm vào đuôi xe ngã và bị tử vong. Do đó, theo tôi hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015

Đoàn Quốc Huy (Sơn Động - Bắc Giang)

Vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Căn cứ vào nội dung vụ việc tôi cho rằng hành vi của Hoàng Anh K đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ. Hành vi này của Hoàng Anh K đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của anh Nguyễn Hoàng T nên phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra theo tôi Hoàng Anh K còn phải chịu tình tiết tăng nặng vì hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm.

Nguyễn Thị Bình (Sóc Sơn  - Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Việc dừng, đỗ xe của người lái xe ô tô nếu được xác định là không vi phạm pháp luật thì không phải chịu trách nhiệm về tai nạn, vì người lái xe trên không có lỗi trong việc gây ra tai nạn. Còn nếu việc dừng, đỗ xe được xác định là không đúng theo các quy định và gây ra tai nạn giao thông thì người lái xe phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường cho người bị tai nạn theo quy định của pháp luật. Vì vậy trong vụ việc này, để xác định Hoàng Anh K có bị xử lý hình sự hay không trước hết cần phải xem xét việc đỗ xe của Hoàng Anh K có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không? 

Theo khoản 3, Điều 18, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ như sau:

“3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a. Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác được biết;… 

d. Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết…”.

Như vậy, việc Hoàng Anh K đỗ xe nhưng chưa thực hiện việc “có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác được biết” và “đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết” là đã vi phạm Điều 18, Luật Giao thông đường bộ.

Ngoài ra, trong trường hợp này Hoàng Anh K còn vi phạm quy định “Cấm dừng và đỗ xe” được quy định  tại điểm e, khoản 3, Điều 5, Mục 1, Chương II, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định như sau: “Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m; đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe…”.

Từ việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ của Hoàng Anh K đã khiến anh Nguyễn Hoàng T điều khiển xe mô tô tông vào sau rơ-moóc xe và làm anh T tử vong tại chỗ. Như vậy, hành vi vi phạm của Hoàng Anh K đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm hình sự. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải làm rõ K đã phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 hay tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Trong nội dung vụ việc có đề cập đến việc khi gần đến trạm thu phí, mặc dù thấy biển báo “cấm dừng xe và đỗ xe” nhưng K vẫn cho xe dừng lại đỗ xe sau biển báo vì cho rằng gần trạm thu phí có nhiều đèn điện nên tránh được việc mất trộm tài sản. Ở đây, chúng ta đều xác định được rằng Hoàng Anh K đang thực hiện hành vi “đỗ xe”. Vậy việc đỗ xe có phải là chướng ngại vật đặt ở trên đường gây cản trở đến giao thông đường bộ hay không? Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cản trở giao thông đường bộ quy định về các hành vi cản trở giao thông đường bộ như sau:

- Đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép K trình giao thông đường bộ;

- Đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ;

- Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiêu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác;

- Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; 

- Sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi K trên đường bộ.

Như vậy theo điều luật này, hành vi đỗ xe không bị coi là cản trở giao thông đường bộ do đó theo chúng tôi hành vi của Hoàng Anh K không phạm tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261, Bộ luật Hình sự. 

Căn cứ vào nội dung vụ việc, chúng tôi có đủ cơ sở để cho rằng hành vi của K trong vụ việc này đã phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bởi, theo quy định của pháp luật, mặt khách quan của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có các dấu hiệu sau:

- Về hành vi. Có hành vi vi phạm quy định về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể là vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ và quy định hướng dẫn thi hành Luật giao thông đường bộ. 

- Về hậu quả. Hành vi này phải gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như đã phân tích ở trên, trong vụ việc này vi phạm Luật Giao thông đường bộ của Hoàng Anh K đã khiến anh T tử vong. Do đó có đủ căn cứ để cho rằng hành vi của Hoàng Anh K đã phạm tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015.

  Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)