Điều gì xảy ra ở thành phố rất giàu mà cư dân không có lấy "một đồng dính túi"?

ANTD.VN - Tiền mặt là thứ mà người dân trên thế giới đều thích, nhưng có lẽ trừ Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc. 9 triệu cư dân của thành phố này tự hào về một xã hội không dùng tiền mặt nhờ vào các ứng dụng thanh toán trong điện thoại thông minh của họ.

Điều gì xảy ra ở thành phố rất giàu mà cư dân không có lấy "một đồng dính túi"? ảnh 1Khách hàng dùng điện thoại quét mã vạch ma trận để trả tiền rau tại chợ Wen’Er ở Hàng Châu

Thanh toán qua điện thoại di động đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, trong khi Hàng Châu lại có lợi thế là quê hương của “gã khổng lồ” công nghệ  Alibaba, công ty tiên phong với Alipay - nền tảng thanh toán trực tuyến phổ biến nhất Trung Quốc.

Lợi ích của xã hội không dùng tiền mặt

Thanh toán di động tại Trung Quốc hiện nay có tổng doanh thu khoảng 16 nghìn tỷ USD mỗi năm, theo tờ Financial Times. Thị trường này bị chi phối bởi hai “đại gia” là Alibaba và Tencent. Alipay hiện có hơn 870 triệu người dùng trên toàn cầu, chỉ riêng ở Trung Quốc là 520 triệu người, trong khi ứng dụng WeChat Pay của Tencent mỗi tháng có 1,040 tỷ khách hàng hoạt động.

Đến thành phố Hàng Châu hiện giờ, người ta có thể thấy mã vạch màu xanh dương của Alipay và màu xanh lá cây của WeChat Pay ở mọi cửa hàng và dịch vụ, từ hàng quán nhỏ đến các trung tâm thương mại hay xe buýt công cộng. Từ nhà cung cấp đến người sử dụng đều nhận thấy, ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động rất tiện lợi, lại tránh được nạn tiền giả hay trộm ví. Gần đây, một kẻ cướp tấn công 3 cửa hàng tiện lợi nhưng hắn ta chỉ lấy đi được 500 nhân dân tệ (khoảng 1.750.000 đồng) và đó là lợi ích của một xã hội không dùng tiền mặt.

Tại khu chợ Wen'Er, Gan Jin Fang, người bán hải sản tươi sống chia sẻ, từ tài khoản Alipay nhận được từ khách hàng, người bán hàng này cũng chuyển tiền cho nhà cung cấp, không mất công đoạn phải đến ngân hàng gửi tiền - hay rút tiền cho các giao dịch. “Điều đó rất tiện lợi. Tôi cảm thấy không an toàn khi phải mang theo tiền mặt và đến ngân hàng”, cô nói thêm.

Một người bán rau cho biết, có tới 8 trong số 10 khách hàng của bà sử dụng ứng dụng để thanh toán. Xu hướng này không chỉ ở nhóm người trẻ tuổi mà số người có tuổi trả tiền qua điện thoại cũng dần tăng lên. “Tôi cũng nhắc họ phải cẩn thận hơn khi sử dụng thanh toán di động. Nhưng nếu số tiền sai, tôi sẵn sàng trả lại cho họ qua ứng dụng. Bạn thấy không, rất tiện lợi!”.

Đối với Gao You Zhen, người bán đậu phụ tại chợ, việc nhận thanh toán qua Alipay đã giúp chị có được khoản vay từ Ant Micro Loan, chuyên giúp đỡ các tiểu thương. Sản phẩm cho vay này được doanh nghiệp Ant Financial sử dụng nguồn dữ liệu lớn cùng trí tuệ nhân tạo để đánh giá mức độ tin cậy của khách hàng dựa trên việc mua, thanh toán và các hoạt động thương mại khác trong ứng dụng Alipay trước khi phê duyệt khoản vay.

Chất lượng dịch vụ gia tăng nhưng chưa thể bỏ tiền mặt

Chen Shuihua, Giám đốc chợ đêm Wulin tại Hàng Châu đã thiết lập một chuẩn mực quốc tế bằng cách biến toàn bộ khu chợ thành nơi không dùng tiền mặt. Vào tháng 9-2017, tất cả 180 gian hàng trong chợ đêm đã hình thành 6 năm nay tại trung tâm thành phố đã bắt đầu chấp nhận thanh toán di động. Ông Chen cho biết, các chủ gian hàng không cần phải lo lắng về thanh toán và giao dịch, bởi thế họ hoàn toàn tập trung vào dịch vụ của mình.

Ngoài ra, phải kể đến toàn bộ hệ thống xe buýt công cộng 8.000 chiếc ở Hàng Châu bắt đầu chấp nhận thanh toán di động gần 2 năm trước, điều này đã khuyến khích nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn. Huang Tianyi, một sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết, cô đã từng mất ví và thẻ xe buýt, nhưng kể từ khi sử dụng ứng dụng thanh toán di động gần 5 năm trước, những lo lắng đó biến mất.

“Tất nhiên, đối với tôi, điện thoại thông minh quan trọng hơn tiền mặt. Việc thanh toán rất thuận tiện, miễn là tôi không bị mất điện thoại”. Giống như những người Trung Quốc trẻ tuổi khác, Huang hiếm khi sử dụng tiền mặt. Mọi thứ dịch vụ như thẻ xe buýt, vé xem phim, gọi taxi, thẻ điện thoại và ngay cả học phí cũng được trả thông qua ứng dụng thanh toán điện tử. Phiền phức duy nhất là đôi khi do lỗi thanh toán, Huang gặp khó khăn và phải mượn tiền của bạn bè.