Điểm mạnh và yếu của thầy "tây" và thầy "ta" trong việc giảng dạy tiếng Anh

ANTD.VN - Đúng vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11), nhà giáo Hoàng Tất Trường, nguyên Chủ nhiệm bộ môn khoa Anh – Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Cộng tác viên Nhà Xuất bản Oxford - Vương quốc Anh; và cô Hoàng Hương Giang - giảng viên tiếng Anh ĐHQG Hà Nội, đã gửi đến Báo ANTĐ bài viết chia sẻ những kinh nghiệm, suy nghĩ xung quanh việc giảng dạy ngoại ngữ tiếng Anh của giáo viên người Việt Nam và giáo viên nước ngoài.

Cẩn thận lỗi “bóp méo” ngữ nghĩa và văn phong

Sau những buổi thảo luận, mạn đàm sôi nổi, hầu hết  học sinh, phụ huynh và các nhà giáo đều thấy chủ đề này rất thiết thực và thú vị nhưng có lẽ chưa có nhiều nghiên cứu một cách thấu đáo, khoa học. Một số băn khoăn không biết chọn đường nào. “Bụt chùa nhà không thiêng”, họ chỉ mời “thầy tây” cho chắc, tưởng “đắt sắt ra miếng”; ai ngờ điều đó chưa đúng.

Chúng ta cùng nhau mổ xẻ vấn đề qua các thực tiễn, buổi học sôi động mà chúng tôi trực tiếp dự giờ hoặc khảo sát được. Đối tượng so sánh ở đây là “thầy ta” (T.ta) và “thầy tây” (T.tây) đều xuất sắc từ ngữ âm tới ngữ pháp (NP)...

Việt Nam hiện nay có nhiều giảng viên ta phát âm (gần) như người Anh – Mỹ ... T.tây ở đây không phải là “tây ba lô” mà là giảng viên tiếng Anh người bản ngữ. Đưa hai đối tượng này so sánh mới hợp lý, không khập khiễng. Bối cảnh dạy và học: Bài này chú ý nhiều vào cấp độ phổ thông, lớp cơ quan và các trung tâm.

Ví dụ: T.tây: what about the test last week? (Bài kiểm tra tuần trước thế nào?)

H/s 1: - I got mark 9.  (em được điểm 9)

H/s 2: - Oh! He is too clever, I got 4 only. (Bạn ấy thông minh quá, em được có 4)

T.tây: (với h/s 1):- Congratulations (chúc mừng bạn!)

Ở đây có 2 lỗi song ngữ cảnh rất rõ nên T.tây không để ý hoặc không chữa vì họ quá chú trọng vào giao tiếp. Họ ít quan tâm tới lỗi tưởng là thông thường song đôi khi “bóp méo” ngữ nghĩa và văn phong.

Hội thoại ngắn này có 2 lỗi phổ biến, tới nay nhiều người vẫn mắc. Phải nói “nine marks” và “very clever”, “too” thường mang ý xỏ xiên, tiêu cực, trừ: “too good,too kind…”.Trường hợp này giảng viên nên nhắc nhở để học sinh không mắc lại với người khác. Một cán bộ ngoại giao kể chuyện: có lần họ khen “Your wife is too beautiful!” (Vợ anh đẹp quá) và câu khen trở nên phản cảm (đôi khi còn gây sốc).

Lần lượt phân tích các bình diện của chủ đề

* Điểm mạnh của T.tây – đồng thời: điểm yếu của T.ta

Độ chuẩn mực (ngữ âm, NP, .v..v..) của T.tây nói chung trội hơn T.ta kể cả T.ta xuất sắc. Nhiều trường hợp, nhờ “ngữ cảm” sẵn có, họ dùng từ, tiếng lóng,… uyển chuyển hơn. Họ có thế mạnh hơn về hình dáng, cử chỉ rất “Tây”, thêm phong cách hài hước, không khí lớp học dễ sinh động, sôi nổi, hấp dẫn (trừ một số nhỏ– nhất là ở nông thôn – rụt rè, sợ tiếp xúc với người nước ngoài)

Việc họ không biết tiếng Việt có nhiều hạn chế (xem phần dưới) song có cái “lợi” là bắt h/s thao tác tư duy nhiều hơn, cố nói và diễn đạt để giao tiếp được. Điều này tạo không khí “toàn Anh” , không có sức ỳ vào tiếng mẹ đẻ. Yếu tố hữu thức và vô thức được kết hợp hài hòa hơn.

Ngoài ra, T.tây ít đi sâu NP nên h/s thích thực hành nhiều hơn.

Trong một số tình huống, T.tây truyền thụ hấp dẫn một cách tự nhiên vì chính họ là “Tây”, tây từ cách chào, vẫy tay, nhún vai (body language). Những trường hợp này, T.ta khéo léo đóng kịch mới tự nhiên được

Một ưu điểm nữa là T.tây ít dùng bài trắc nghiệm về hình thức (chữa lỗi NP,...) trong giảng dạy và luyện tập. Tiếp cận nhiều bài tập loại này rất nguy hiểm vì làm nhiễu và xóa mờ trí nhớ. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm ra phương pháp (PP) khắc phục nhược điểm này.

* Điểm yếu của T.tây – đồng thời điểm mạnh của T.ta

Với bất kỳ ngôn ngữ nào, việc không biết tiếng người học hạn chế nhiều chất lượng giảng dạy nhất là giai đoạn đầu. Khi dạy các từ trừu tượng, tên một số đồ vật, hoa quả,... T.tây rất “bí” khi giải thích và luyện tập. Ví dụ: virtue, dignity, conduct, ... – đạo đức, nhân phẩm, hạnh kiểm,... những từ này càng giải thích càng rắc rối, “võ” hay nhất vẫn là dịch sang tiếng Việt. Nhiều cấu trúc tưởng đơn giản nhưng hay nhầm lẫn (dù đã luyện tập) như “have been to...” rất dễ bị nhầm sang “have gone to...” nên phải dịch nhấn mạnh ý “đã từng đi...” là không nhầm lẫn với “đã đi”….

Vậy tiếng mẹ đẻ tiết kiệm thời gian giảng hoặc kiểm tra bài, thời lượng còn lại giành cho luyện tập.

PP “dịch máy móc” thường bị phản đối song áp dụng đúng lúc lại rất tốt cho trí nhớ. Ví dụ: khi dạy thành ngữ “Kill 2 birds with 1 stone” nếu chỉ dịch một cách văn hoa thì hay song khó nhớ. Trước tiên, nên thông qua nghĩa đen là “giết 2 con chim với 1 hòn đá”, cho thảo luận đoán nghĩa bóng rồi mới dịch văn hoa: “một công đôi việc/nhất cử lưỡng tiện”. v.v. Cuối cùng, chúng tôi cho học sinh nhắm mắt tưởng tượng cầm một hòn đá ném hai con chim (có thể vừa hành động vừa nói thầm) Đây là yếu tố THIỀN chúng tôi đề xướng cho việc học tập, nghiên cứu.

Ngoài ra, với giảng viên bản ngữ, tiếng của họ đã ngấm vào máu nên họ không nhạy bén, “cảm giác” hết được trường hợp nào khó, trường hợp nào hay mắc lỗi và cách khắc phục như thế nào. Ví dụ, diễn đạt: “I can’t learn till 7p.m”, đa số h/s lớp 12 trở lên cũng dịch là “tôi không học được tới 7h” trong khi nghĩa đúng thì ngược lại: “7h mới học được”. Như vậy, chuyển di tiêu cực của tiếng mẹ đẻ khá lớn, T. ta mới khắc phục được.

Việc không biết tiếng Việt hạn chế cả yếu tố hài hước và các thủ thuật ghi nhớ. Một trào lưu mới trong phong cách học là đưa hài hước vào cả lĩnh vực học thuật.

Chẳng hạn để nhớ lối nói gián tiếp, T.tây không thể chơi chữ được như “ai thọt, diu cụt” (I thought you could: tôi tưởng bạn biết/có thể ...) Trường hợp này h/s rất hay quên và hay mắc lỗi nguy hiểm, có thể gây sốc. Trong biểu đạt “cope with the boom of ..” ( đương đầu với sự bùng nổ...) T.ta có thể tranh thủ tính hài trong 2 âm tiếng Việt: “cốp – bùm”. Những yếu tố này giúp buổi học sinh động, h/s hào hứng và “tiêu hóa” bài dễ dàng. Nhiều lần cả lớp vỗ tay tán thưởng và cùng vui học. Đây là “thủ thuật âm thanh/ngữ âm” ( onomatopoeia/ phonetic device), với hiện tượng đồng âm như vậy, T.ta nhạy bén hơn.

Từ năm 1977, chúng tôi đã áp dụng thủ thuật ngữ âm kết hợp với tranh vui vào bài học và thi tốt nghiệp ĐH (có nhiều nét như chương trình “đuổi hình bắt chữ” hiện nay). Tuy nhiên, với bất cứ PP gì, lần cuối phải phát âm tốc độ đời thường, chuẩn mực cả trọng âm, ngữ điệu trong từ với trong câu để hỗ trợ kỹ năng nghe-nói.

Một nét thú vị nữa cho giáo học pháp NN là: hài hước nửa Anh nửa Việt tạo kích ứng (stimuli) tốt cho trí nhớ. H/s rất “mê” những câu thơ hoặc câu nói vui: delay -> put off -> cancel -> arrange theo đúng level nhớ lâu ( làm chậm- -> hoãn  -> hủy (sắp xếp đúng thứ tự...).

Yếu tố văn hóa (Các phạm trù có nét tương đồng song được tách ra để mọi tầng lớp phụ huynh dễ theo dõi).

T.tây , nói chung, không nắm vững văn hóa Việt Nam nên ít giúp h/s tránh được lỗi về bình diện này. Họ không biết người phương Đông hay để ý chuyện riêng tư và hay hỏi “Bạn có gia đình chưa?/ có mấy con?... Câu chào nhau: “Đi đâu đấy? Ăn cơm chưa? đã có lần gây bực tức cho người Anh ... Ngoài ra, vì khái niệm khác nhau nên những từ  “friendly, Negro, England,..” (thân mật, người da đen, nước Anh,…) có thể bóp méo giao tiếp khi dùng sai tình huống. T.ta thường thấy trước và nhắc h/s cảnh giác khi sử dụng.

* T.tây và h/s ta thiếu một số “tri thức chia sẻ”(hiểu biết chung- shared knowledge)

Nói chung, T.tây ít thông thạo địa lý, lịch sử Việt Nam. Những yếu tố này cũng hạn chế việc giảng dạy, Ví dụ, thông qua vật cụ thể như: “Hoàn Kiếm lake” (hồ HK), “the Red river” ( sông Hồng) h/s dễ nhớ : À, hồ ao ít có quán từ “the” và sông ngòi thường có..v..v.. Vì còn thiếu “hiểu biết chia sẻ” nên T.tây khó khai thác triệt để bài học.

* Yếu tố tâm lý

T.tây không hiểu hết được tâm lý mọi lứa tuổi của Việt Nam nên có lúc gặp khó khăn. Một số h/s ta nhút nhát, không năng động, đặc biệt ở nông thôn. Chúng tôi được mời dự giờ,  nên thấy rõ nhược điểm này. H/s ta có tâm lý sợ sai, xấu hổ, hoặc sĩ diện nên khó luyện nói.

T. tây không biết rằng: Áp lực bài thi còn nặng về NP nên h/s thích học kiểu phân tích, giảng giải, “triết lý”, một số thích ngồi làm bài tập, điều này làm T.tây lúng túng.

* KẾT LUẬN VÀ Ý TƯỞNG MỚI: Nhìn chung , giải pháp tốt nhất trong cả giảng dạy và soạn sách v…v là: KẾT HỢP CẢ THẦY TÂY, THẦY TA.

Tùy h/s: tuổi tác, mục đích, trình độ, tố chất mà xếp tỉ lệ giờ dạy (cả PT và lớp cơ quan v…v….). Trẻ em thường tiếp thu ngoại ngữ tốt hơn nên có thể bố trí khác người lớn. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc học ngoại ngữ khác nhiều giữa thành thị và nông thôn, mục đích học đôi khi chưa rõ ràng, T tây “siêu” còn rất thiếu, chưa đủ để luôn áp dụng PP “tự nhiên”, do đó đưa ra một giải pháp cụ thể rất khó.

Nhìn chung, ở các trình độ sơ cấp (tương đương giữa cấp 3 trở xuống) nên bố trí T.ta dạy nhiều hơn, đặc biệt đối với lớp hoàn toàn từ số không. Ở trình độ trung/cao cấp (cuối cấp 3 trở lên), bố trí ngược lại. Đa số h/s phổ thông, dù đi học thêm cũng chỉ có trình độ (tiền) trung cấp trở xuống.

Một điều cần lưu ý nữa: Có nhiều biến thể tiếng Anh, khác nhau khá nhiều về phát âm, từ vựng,…. Vậy ở trình độ thấp (từ cấp 1 tới hết cấp 2) nên bảo đảm tính nhất quán, chỉ học “một loại T. tây”, hoặc thầy Anh, thầy Mỹ v.v…(để định hình nền móng). Từ trình độ trung cấp có thể học lẫn song phải có những buổi thảo luận để tránh nhiễu trí nhớ.

Trong việc đánh giá giảng viên giỏi hay kém để chọn trường lớp cho con,  chúng ta cũng phải có năng lực chuyên môn kẻo có thầy bị chê oan và “khen cũng….oan”. Thầy giỏi còn phải biết học cùng h/s, thảo luận cách nhớ, giúp họ nâng cao tư duy đặc biệt giúp PP tự học. Khâu này, T ta thực hiện tốt.

Hãy khuyên học sinh: Một phần việc học ngoại ngữ, nói cho vui là “lao động cơ bắp”. Nó khác toán học. Giải pháp khi thực hành: đừng bị ám ảnh bởi NP, hãy “quên” nó đi. Điều quan trọng nhất là “Từ và Cấu trúc ”.