Dịch vụ ngầm "tiếp tay" cho xét nghiệm giới tính thai nhi trái luật ở Trung Quốc

ANTD.VN - Nhân viên hải quan ở Thâm Quyến, Trung Quốc quan sát người phụ nữ trung niên có dáng đi kỳ lạ đang định tới Hồng Kông, liền dừng để kiểm tra. Họ đã phát hiện những lọ đựng mẫu máu trong áo ngực của bà này, mỗi lọ đều dán tên một phụ nữ mang thai. Sự kiện xảy ra vào một ngày thứ sáu nóng bức hồi tháng 7-2017.

Dịch vụ ngầm "tiếp tay" cho xét nghiệm giới tính thai nhi trái luật ở Trung Quốc ảnh 1Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc cấm xét nghiệm giới tính thai nhi để ngăn chặn sự mất cân bằng giới tính

4 ngày sau, lực lượng hải quan của Trung Quốc chặn một phụ nữ khác mang theo một chiếc ba lô rất nặng. Một lần nữa, nó chứa đầy lọ đựng mẫu máu của phụ nữ mang thai. Ba lô đựng tất cả 203 lọ. Vì nóng quá, máu đã bắt đầu phân hủy.

Nhà chức trách Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, những người phụ nữ này khai họ nhận vận chuyển thuê những vật liệu “nhạy cảm” này qua biên giới với thù lao 100-300 Nhân dân tệ (14-42 USD). Gần đây hơn, vào tháng 2-2019, một nữ sinh 12 tuổi đã bị chặn tại Cảng Luohu, một điểm nhập cảnh khác vào Hồng Kông, với 142 mẫu máu được giấu trong ba-lô. “Học sinh, sinh viên khi đi lại về cơ bản không mang gì ngoài sách, văn phòng phẩm và đồ ăn nhẹ, vì vậy túi xách của họ thường trông gọn gàng. Nhưng chúng tôi thấy rằng túi của cô bé ấy đầy đến mức có thể sắp rách ra, vì vậy chúng tôi đã kiểm tra”, nhân viên hải quan kể với phóng viên tờ Nhân dân nhật báo.

Số vụ vận chuyển lậu mẫu máu từ Trung Quốc đại lục đến Hồng Kông đang tăng mạnh trong vòng 3 năm qua. Các mẫu này được gửi đến các phòng khám ở Hồng Kông để được xét nghiệm ADN của thai nhi, cho phép cha mẹ tương lai biết sớm giới tính của con họ.

Nhu cầu biết sớm giới tính thai nhi ở Trung Quốc rất mạnh, mặc dù điều này bị cấm. Trung Quốc đã dỡ bỏ một phần chính sách một con từ năm 2015, nhưng vì nhiều lý do, một số cặp vợ chồng đã chọn chỉ sinh một con và họ chỉ muốn đó là con trai. Để tìm hiểu xem đang mang thai con trai hay gái, họ thuê trung gian làm dịch vụ xét nghiệm ADN ở Hồng Kông. 

Nếu tìm trên Weibo - mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc tương tự Twitter, người ta dễ dàng tìm được các cơ sở cung cấp dịch vụ này. Một đại diện bán hàng cho một công ty như vậy cho biết, phụ nữ có thể xét nghiệm khi họ mang thai 6-7 tuần. Họ có thể đến bệnh viện hoặc yêu cầu một y tá đến nhà để lấy máu. Sau đó, khách hàng được khuyến khích giấu lọ mẫu máu bên trong thú nhồi bông hoặc đồ ăn nhẹ để tránh bị phát hiện và gửi thẳng đến Hồng Kông bằng dịch vụ bưu chính. “Chúng tôi không còn thuê người vận chuyển. Điều đó quá rủi ro gần đây Chính phủ rất quyết liệt trấn áp hoạt động này”. Công ty đó có hơn 380.000 người theo dõi trên Weibo, tính phí 3.500 Nhân dân tệ (490 USD) cho các dịch vụ của mình và kết quả xét nghiệm mất khoảng 1 tuần. Nó được thực hiện tại một phòng thí nghiệm đặt ở vùng xa xôi của Hồng Kông. 

Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã cấm xét nghiệm giới tính thai nhi vào năm 2002 để ngăn chặn sự mất cân bằng giới tính. Theo Cục Thống kê Quốc gia, tại đất nước 1,4 tỷ dân này, số lượng đàn ông nhiều hơn phụ nữ là 32,7 triệu người vào cuối năm 2017. Theo chính sách 1 con của Trung Quốc, giới hạn mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 con, việc phá thai có chọn lọc giới tính trở nên phổ biến từ năm 1970 đến 2017, điều này đã ngăn 12 triệu bé gái chào đời, đó là kết quả được các nhà nghiên cứu của trường ĐH Quốc gia Singapore công bố.

Việc gửi mẫu máu qua Hồng Kông xét nghiệm hiện giờ là bất hợp pháp, bởi Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia của Trung Quốc ban hành quy định cấm xuất khẩu máu người vào năm 2017. Tuy nhiên, điều bất cập là Hồng Kông lại cho phép nhập mẫu máu, miễn là chúng không bị nghi ngờ có chứa các tác nhân truyền nhiễm và có giấy phép đảm bảo. Bởi vậy, dịch vụ xét nghiệm “chui” là “mảnh đất” kinh doanh béo bở đối với Hồng Kông.

“Các phòng xét nghiệm ở Hồng Kông chỉ được phép thực hiện các xét nghiệm nếu mẫu máu của bệnh nhân được một bác sĩ y khoa chỉ định, theo quy tắc thực hành của Phòng thí nghiệm y tế. Nhưng nhiều nơi bỏ qua điều này. Chưa thấy Bộ Y tế điều tra cặn kẽ việc này. Chính phủ muốn làm ngơ vì sợ làm tổn thương ngành công nghiệp xét nghiệm y tế của Hồng Kông, đó là một ngành kinh doanh hái ra tiền”. 

Ông Kwok Ka-Ki (Nhà lập pháp, bác sĩ tiết niệu của Hồng Kông, Trung Quốc)