Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành: Lợi ích của việc thay đổi cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn

ANTD.VN - Dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành khắp cả nước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến đầu tháng 6-2019, cả nước đã có 53 tỉnh, thành phố phát hiện dính dịch tả lợn Châu Phi và số lợn buộc phải tiêu hủy đã lên đến con số hơn 2 triệu con. Hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi là vô cùng nặng nề đối với ngành chăn nuôi, gây thiếu hụt nguồn thịt lợn sau này. Trong khi đó, người dân Việt ta vẫn chỉ chủ yếu sử dụng thịt lợn trong bữa ăn là chính. Các loại thịt khác như bò, trâu, dê, gà, tôm, cá,… còn khá hạn chế. Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra khiến cho nguồn cung loại thịt này thiếu hụt mạnh so với nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc thay đổi cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn là việc làm cần thiết của mỗi người dân Việt Nam hiện nay.

Thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn của người Việt

Theo Tuổi trẻ, nhu cầu sử dụng thịt lợn trong bữa ăn của người Việt lên đến 70% trong cơ cấu thực phẩm, gấp 10 lần so với nhu cầu sử dụng thịt bò và các loại thịt khác. Trong khí đó, thịt gia cầm chỉ chiếm hơn 20%, còn lại là các loại gia súc khác. Do dịch tả lợn Châu Phi chưa có dấu hiệu dừng lại, việc thiếu nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng là điều tất yếu xảy ra. Do vậy, người dân cần phải tìm những nguồn thịt khác thay thế dần thịt lợn trong thời gian tới.

         Người Việt chủ yếu sử dụng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày (Nguồn: Tuổi trẻ)

Cũng theo VTV, tỉ trọng nuôi lợn ở nước ta còn cao, chiếm 50% trong cơ cấu nông nghiệp và hiện nay, trung bình mỗi người dân nước ta mới chỉ ăn 3,5 kg thịt bò mỗi năm. Thịt bò mới chỉ chiếm 7% trong thực phẩm của các gia đình Việt, trong khi thịt lợn chiếm tới 70%. Đa số người dân vẫn chọn thịt lợn là nguồn cung cấp đạm chính trong bữa ăn của gia đình mình. Nguyên nhân được đưa ra là do thịt lợn giá rẻ, dễ ăn, nhiều đạm,… nhiều người trở nên “lao đao” khi số lợn nhiễm bệnh ngày càng nhiều, thịt lợn ngày càng ít.

Chuyển từ thịt lợn sang thịt bò: Tại sao không?

Khi dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan rất nhanh và rất khó khống chế, tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn đang diễn ra, người dân có thể chuyển sang sử dụng thịt bò. Tại sao không?

Theo VTV, nhiều địa phương đã chuyển hướng chăn nuôi lợn sang chăn nuôi đại gia súc, trước tình hình ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian vừa qua. Đây cũng là dịp để ngành chăn nuôi có thể cân bằng lại cơ cấu. Lợi thế để người dân chuyển sang chăn nuôi đại gia súc là rất lớn với nguồn thức ăn dồi dào, mô hình chăn nuôi hiện đại ngày càng mở rộng, dinh dưỡng trong thịt bò, trâu là rất lớn.

Người dân sử dụng thịt bò dần thay thế thịt lợn trong giai đoạn dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành (Nguồn: Tuổi trẻ)

Còn theo Tuổi trẻ, người dân cần thay đổi về cách chăn nuôi. Ở hộ gia đình chỉ nên chăn nuôi bò sinh sản, một nhà nuôi 10 con thì có cơ hội thoát nghèo. Khi bò lớn lên thì đưa cho các trang trại, công ty mua về vỗ béo. Với cách nuôi như vậy thì cạnh tranh được với bò nhập khẩu, nhưng không cạnh tranh được với thịt đông lạnh...

Không chỉ thay đổi từ nuôi lợn sang chăn nuôi đại gia súc, mà chủ yếu là bò và trâu, nhu cầu sử dụng thịt bò của người Việt Nam đang có xu hướng tăng. Năm 2018, nước ta đã phải nhập khẩu hơn 200.000 con bò thịt, 1 tấn thịt bò xẻ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Cùng với đó, nhu cầu dinh dưỡng của thịt bò, gia cầm như gà, vịt, thủy sản như tôm, cá là rất lớn. Tại nhiều siêu thị trên cả nước, giá thịt bò đang ở xu hướng tăng, bởi trước tâm lý lo ngại về thịt lợn, người dân đã chuyển dần sang sử dụng các loại thịt khác thay thịt lợn trong các bữa ăn.

Dinh dưỡng của thịt bò là vô cùng lớn vì thịt bò giàu sắt và kẽm. Đặc biệt, sắt rất cần thiết cho máu, giúp cho cơ thể phòng tránh bị thiếu máu. Thịt bò còn chứa vitamin B12 cần thiết cho các tế bào, nhất là các tế bào đỏ mang oxy đến các mô cơ, thúc đẩy chuỗi amino acid chuyển hóa, cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể trong những hoạt động cường độ cao.

         Thịt gia cầm cũng đang được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn trong các bữa ăn

Thịt gà cũng là sự lựa chọn của nhiều gia đình khi thịt lợn đang trở thành nỗi lo. Thịt gà giúp cung cấp các vitamin, dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, cơ thể dễ hấp thụ. Không chỉ có vậy, thịt gà còn rất có lợi cho mắt, tốt cho tim và có khả năng ngừa ung thư hiệu quả.

Học người Nhật cách ăn uống lành mạnh, ít thịt để sống lâu

Người Nhật đứng đầu thế giới về số tuổi thọ con người, đó chính là nhờ chế độ ăn uống lành mạnh, ít thịt của người dân đất nước này. Do đó, dịch tả lợn Châu Phi có diễn ra thì người Nhật bản cũng không bị ảnh hưởng nhiều như Việt Nam.

         Người Nhật sử dụng nhiều rau và cá trong bữa ăn hàng ngày để có sức khỏe tốt, là bí kíp duy trì tuổi thọ

Theo Plo, người Nhật ăn nhiều cá và rau xanh trong bữa ăn hàng ngày. Đây cũng chính là bí kíp để họ có một sức khỏe tốt. Theo thống kê, người Nhật tiêu thụ gần 10% lượng cá của thế giới, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%, tức mỗi người dân Nhật ăn cá gấp 5 lần so với người dân khác trên thế giới. Các loại rau được người Nhật sử dụng nhiều trong các bữa ăn chính là rong biển, bắp cải, khoai lang, nấm,… Cùng với đó, người dân Nhật Bản tiêu thụ lớn các món ăn từ ngũ cốc nguyên hạt, đây là khẩu phần ăn chính của những người lớn tuổi.