Di ngôn không có người làm chứng thì không có giá trị

ANTD.VN - Ông bà nội tôi mất năm 2008 và để lại mảnh đất hơn 500m2 (đã được cấp sổ đỏ), mang tên bà nội tôi. Ngày còn sống, ông bà nội tôi di ngôn rằng mảnh đất này cho tôi vì là cháu đích tôn và bố tôi là liệt sỹ. Cả 5 người con (còn sống) của ông bà nội tôi đều đồng lòng như vậy. Nhưng hiện nay sổ đỏ mang tên bà nội tôi đã thất lạc… Xin luật sư chỉ giúp, làm thế nào để tôi được đứng tên thửa đất này? Trịnh Ngọc Quang (Hà Nội)  

Luật sư Đặng Văn Sơn VPLS Đặng Sơn và Cộng sự Địa chỉ: Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Trả lời: Ông bà nội của bạn mất năm 2008 nên tính đến nay chưa được 10 năm. Và do không có di chúc nên di sản của ông bà bạn để lại sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất, theo quy định của pháp luật. Còn đối với di ngôn của các cụ, bạn được xác định là người được hưởng toàn bộ di sản nhưng vì không có người làm chứng và cũng không thực hiện chứng thực theo quy định nên pháp luật không công nhận quyền hưởng di sản này của bạn.

Từ đó khẳng định, mảnh đất nêu trên là thuộc quyền thừa hưởng của 5 người con (còn sống) của ông bà nội bạn cùng các anh, chị em ruột của bạn vì bạn và các anh chị, em của bạn thuộc trường hợp thừa kế kế vị, quy định tại Điều 652 - BLDS. Theo đó, điều luật này xác định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. 

Để được đứng tên, làm chủ mảnh đất mà ông bà nội để lại, bạn cần phải thực hiện những việc sau:

Thứ nhất là do sổ đỏ của mảnh đất đã bị mất nên bạn sẽ không thể thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng. Thay vào đó, bạn phải làm thủ tục xin cấp lại sổ đỏ. Cụ thể là phải khai báo với UBND cấp xã, phường (nơi có đất) về việc bị mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất sổ đỏ tại trụ sở UBND xã, phường (đối với cá nhân, hộ gia đình) hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương (đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài), người bị mất sổ đỏ nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tiếp đến, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất (đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất); lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy sổ đỏ bị mất, đồng thời ký cấp lại sổ đỏ cho người được cấp hoặc gửi cho UBND xã, phường, đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Thứ hai là sau khi được cấp lại sổ đỏ, bạn cùng 5 người con của ông bà nội cùng các anh, chị em ruột của bạn tiến hành việc khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng theo quy định. Khi đó, nếu tất cả những người trong diện được hưởng thừa kế (kể cả thừa kế kế vị) đều từ chối nhận di sản thì lúc đó bạn mới được đứng tên mảnh đất mà ông bà bạn để lại.

Và sau cùng là khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng xong, bạn cần chuyển toàn bộ hồ sơ đến bộ phận một cửa của văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - chi nhánh quận, huyện nơi có tài sản để làm thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất.