Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm trong nhà trường là "tội ác"

ANTD.VN - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, nếu để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) ở các bếp ăn trong trường học thì đó thực sự là một “tội ác” bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe học sinh…

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phát biểu tại tọa đàm

Chiều 10-5, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Vai trò của các quận uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATVSTP năm 2018”. Tại đây, ATTP bếp ăn tập thể là chủ đề “nóng” nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Nhiều người kinh doanh vì lợi nhuận mà quên cả “lương tâm”

Điểm lại hàng loạt vụ việc “nhức nhối”, gây bức xúc dư luận xã hội liên quan đến ATVSTP thời gian qua, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, do việc xử phạt vi phạm về ATTP vẫn chưa đủ sức răn đe khiến cho nhiều người vì lợi nhuận mà bất chấp quy định pháp luật, không nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm trong việc sản xuất, bán hàng.

Đáng lo ngại hơn, nếu kiểm soát không tốt, thực phẩm “bẩn” hoàn toàn có thể tràn vào các bếp ăn tập thể, gây ra những hậu quả khôn lường. Đặc biệt, nếu để thực phẩm bẩn tràn vào bếp ăn trường học, không đảm bảo được ATTP tại các bếp ăn trường học thì đó thực sự là một tội ác bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của học sinh.

Trước thực trạng trên, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, cách đây 3 năm, ngành GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề vệ sinh ATTP học đường và phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của học sinh.

“Dù vậy, để bảo đảm được vệ sinh ATTP trong nhà trường rất cần phải có sự chung tay và trách nhiệm cả từ phía nhà trường lẫn gia đình học sinh. Việc giao nhận bữa ăn hay giao nhận thực phẩm cần có sự giám sát của đại diện cán bộ nhà trường, cán bộ y tế và cha mẹ học sinh” – ông Tiến nêu rõ.

Một số ý kiến khác cho rằng, để đảm bảo được ATTP cho bếp ăn trường học nói riêng hay các bếp ăn tập thể nói chung cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của chính quyền địa phương.

Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Hà Đông cho biết, quận Hà Đông đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tại các trường phải có đại diện giám sát bếp ăn tập thể ngay từ nguồn thực phẩm nhập vào, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy trình; nguyên liệu sử dụng trong quá trình chế biến bảo đảm vệ sinh ATTP. 

“Trách nhiệm của UBND quận là tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra đột xuất để nhắc nhở, xử lý kịp thời các vi phạm được phát hiện…” – ông Trường nói.

Kiểm tra ATTP tại một bếp ăn tập thể

Không phải cứ muốn phạt nặng là phạt được

Trao đổi với các đại biểu tại buổi tọa đàm, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm - Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, ngộ độc thực phẩm là hậu quả của sử dụng thực phẩm không an toàn. Tại nước ta những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng trên 5.200 người bị ngộ độc thực phẩm, trên dưới 30 người tử vong.

Ông Hùng nhấn mạnh, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu từ các hoạt động thiếu an toàn của con người trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

“Nhiều người băn khoăn rằng vì sao thanh tra, kiểm tra ATTP nhiều nhưng phát hiện sai phạm lại ít? Việc xử lý ATTP sao không mạnh tay hơn? Thực tế, muốn xử phạt các hành vi vi phạm VSATTP thì phải định nghĩa được hành vi đó sai phạm như thế nào, áp vào điều khoản nào trong luật, có nhân chứng, vật chứng hay không và phải căn cứ theo quy định, muốn phạt nặng hơn cũng không được” – ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, có rất nhiều hình thức, biện pháp xử phạt sai phạm về ATTP, từ cảnh cáo nhắc nhở, phê bình, tạm dừng hoạt động, xử lý bằng phạt hành chính cho đến xử lý hình sự… Nếu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện nay, nghiêm túc trong việc xử phạt vi phạm thì chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả.

Cũng tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có số lượng cơ sở thực phẩm rất lớn và ngày càng tăng (gần 70.000 cơ sở), trong đó phần nhiều là các cơ sở nhỏ lẻ. Hơn nữa, thành phố hiện cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn, số còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu… Do đó, công tác quản lý ATTP gặp rất nhiều khó khăn.

Dù vậy, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các hoạt động về ATTP. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời thành phố cũng duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội… Qua đó tình trạng đảm bảo ATTP trên địa bàn đã dần được cải thiện.

Cách phân biệt thực phẩm nhiễm hóa chất bằng mắt thường

Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm trong nhà trường là "tội ác" ảnh 3

Tại buổi tọa đàm, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý VSATTP TP Hà Nội cho biết, có một số loại thực phẩm có thể dùng mắt thường và cảm quan để phân biệt an toàn hay nhiễm hóa chất.

Ví dụ, có thể nhìn bằng mắt thường để phân biệt đậu phụ có thạch cao hay không. Đậu phụ an toàn có màu trắng ngà, mềm. Đậu phụ chứa thạch cao có màu trắng hơn và chắc cứng. Về cảm quan, đậu phụ phải có mùi thơm và vị ngậy của đậu nành. Đậu có thạch cao sẽ có vị hơi chát.

Hay đối với miến, phải có màu đặc trưng của bột dong riềng. Nếu miến nát, cứng thì người tiêu dùng không nên chọn. Với giá đỗ, giá an toàn không có hóa chất độc hại màu hơi ngà, không quá mập, rễ dài. Giá có hóa chất rễ ngắn, trắng và mập hơn bình thường…

Bà Thu khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm ở các địa chỉ tin cậy, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng để bảo đảm chất lượng VSATTP.