Đào tạo theo đơn đặt hàng, đảm bảo đầu ra cho sinh viên trường nghề

ANTD.VN - Hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt đầu tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, thực tập, đánh giá kết quả và tuyển dụng.

Đào tạo theo đơn đặt hàng, đảm bảo đầu ra cho sinh viên trường nghề ảnh 1

Bộ LĐ-TB&XH kiên quyết đóng cửa các cơ sở dạy nghề hoạt động kém hiệu quả

Đào tạo theo nhu cầu

Theo các chuyên gia kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến năng suất lao động thấp, kéo lùi sự phát triển kinh tế xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực thấp thể hiện qua việc chúng ta chưa theo kịp tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.  Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%, công nghiệp trên 33,34%. Tuy nhiên, sự chuyển dịch lao động còn chậm trễ. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 40% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hết Quý I - 2018, con số này giảm xuống còn 38,6%.

Dù vậy, thực trạng thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm vẫn đang hiện hữu. Tỉ lệ thất nghiệp còn cao, hiện nay bình quân là khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Riêng năm 2017, thanh niên thất nghiệp là 7,51% tăng so với năm 2016. Khu vực thành thị là 11,75%.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp từ đó tạo ra việc làm ổn định, bền vững cho người lao động là yêu cầu bức thiết giai đoạn hiện nay. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, năm năm 2018, giáo dục nghề nghiệp là khâu đột phá, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động nhằm bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để thực hiện mục tiên này, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương thay đổi công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ đào tạo không theo dự báo, không theo nhu cầu sang đào tạo theo đặt hàng, theo nhu cầu và có dự báo.

Ngay trong quý I-2018, Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế đã xác định đào tạo theo địa chỉ là 150.000 người trong thời gian 3 năm (2018-2020). Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhu cầu đào tạo theo đơn đặt hàng đang rất lớn và nếu đón đầu được sẽ tạo sự đột phá.

Sắp xếp lại hệ thống trường nghề

Hiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp, chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đào tạo còn bất cập, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về kỹ năng, thu nhập, độ an toàn, mạng lưới an sinh. Do đó thời gian tới ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động. 

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, trên cơ sở dự báo cung cầu, tập trung củng cố, sắp xếp, rà soát lại bộ máy giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cần thiết. Hiện nay, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 397 trường cao đẳng, 555 trường trung cấp, đa phần là các trường công lập. Ngoài ra, toàn quốc còn có 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong 2 năm qua, Bộ đã kiên trì, tập trung cùng các địa phương sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tới nay, số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giảm được 252 trung tâm cấp huyện. Bộ máy bước đầu đã có sự tinh gọn hơn. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát những trường không đáp ứng yêu cầu, mạnh dạn tổ chức, sắp xếp lại. Đối với những cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng quá kém, sẽ quyết định giải thể.