Danh hiệu lớn nhất khi được học trò bình chọn là giáo viên tin yêu

ANTD.VN - Được học trò bình chọn giáo viên được tin yêu, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa cho biết, đây không phải là danh hiệu được trao một lần rồi cứ thế được vinh danh lâu dài. Danh hiệu này đòi hỏi người thầy phải liên tục nỗ lực để xứng đáng với sự bình chọn, tin yêu của học trò.

Danh hiệu lớn nhất khi được học trò bình chọn là giáo viên tin yêu ảnh 1Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Phan Huy Chú được học trò bình chọn là giáo viên tin yêu

Biết ơn học trò vì sự đánh giá

Được bình chọn là nhà giáo tâm huyết, sáng tạo trong cuộc thi năm 2018 của ngành Giáo dục Thủ đô, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa chia sẻ một trong những điều khiến cô thấy mình luôn phải nỗ lực hết mình, tìm tòi, xây dựng những tiết học, hoạt động sinh động, cuốn hút hơn chính là nhờ vào sự nhìn nhận công tâm từ học trò của mình.

Cô Nguyễn Kim Anh chia sẻ, đã thành truyền thống hàng năm, thầy cô trường Phan Huy Chú, Đống Đa được học trò bình chọn giáo viên được học sinh tin yêu. Cuộc bình chọn khách quan, công tâm và cũng khá căng thẳng với giáo viên bởi nó là sự đánh giá về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cùng những cống hiến, chia sẻ của mình cả một năm học. Đây cũng là một trong những căn cứ để nhà trường bình xét thi đua và khen thưởng giáo viên trong trường. Vì vậy, đối với các thầy cô, việc được học sinh bình chọn quan trọng không kém gì những danh hiệu nhà giáo được ngành tôn vinh. 

“Tôi thấy biết ơn học sinh trong việc được các con bình chọn là giáo viên được học sinh tin yêu của trường, vì rõ ràng là các con thấy công việc của mình là có ích chứ không thể chỉ khéo cười, năng chào hỏi mà có được. Không một thầy cô nào lại có thể cứ lên lớp là nghĩ đến “lấy lòng” học sinh, chờ dịp bình chọn. Hàng trăm tiết dạy, có những tiết được trò đón nhận nhưng cũng có tiết các trò chưa hào hứng” - cô Kim Anh chia sẻ - “Sau những lần được học trò tôn vinh, tôi rất sợ phải trải nghiệm cảm giác “tự ngượng” do giờ dạy nào thiếu lửa, tẻ nhạt. Đối mặt với những giờ dạy như thế, tôi tự hỏi, có hay không niềm ân hận của trò vì đã tôn vinh mình? Được học trò tôn vinh không phải là vương miện của sắc đẹp nhận khi trẻ tuổi, không phải may mắn trúng số một lần mà là sự vinh danh cho trí tuệ, tâm huyết và tình cảm thân thương với các trò. Thế nên đã chọn làm thầy là bước vào con đường cần luôn cố gắng không ngừng nghỉ”.

Không ngừng đưa sinh khí vào từng bài giảng 

Cô Nguyễn Kim Anh được bầu chọn là 1 trong số 48 giáo viên của Thủ đô được trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017-2018. Đại diện Hội đồng chuyên môn Cuộc thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai cho biết, hồ sơ tham dự của cô được đánh giá là một trong những hồ sơ có nhiều đóng góp giá trị cho việc dạy và học môn Văn trong nhà trường phổ thông. “Sự sáng tạo, nhiệt huyết của cô Kim Anh đã góp phần mang lại sức sống cho môn Văn. Với cách dạy giàu trải nghiệm, hướng học sinh tới cách sống và cảm nhận sâu sắc của cô, các em sẽ dần yêu môn Văn theo cách tự nhiên nhất”.

Theo cô Kim Anh, trong thời đại công nghệ, con chữ không còn khiến học sinh hứng thú. Trong các bài giảng hàng ngày, việc sử dụng tài liệu bổ trợ như hình ảnh, clip… cũng không còn mới mẻ, hấp dẫn với học sinh. Điều học sinh cần không phải là những lời giảng suông mà phải là sự trải nghiệm của bản thân để tự nhận thức được bài học.

“Để đưa các em vào bối cảnh tác phẩm, tôi đã tổ chức cho học sinh của mình đến thăm gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng. Cả thầy và trò được con rể nhà văn kể về ông. Không gì hay bằng nghe trực tiếp nhân vật nói về sự kiện, con người liên quan đến những tác phẩm văn học mà học sinh đang được học trên lớp. Các em cũng được đưa đến thăm mộ nhà thơ Xuân Diệu. Ông không có vợ, con. Nhiều học sinh đã rất xúc động trước ngôi mộ nhà thơ không người chăm sóc và từ đó suy nghĩ về tình cảm gia đình. Bài học với các em qua chuyến đi, không chỉ là cảm xúc về tác giả, tác phẩm mà còn tự mình rút ra được một bài học về lễ nghĩa, về gia đình mà không cần lời giảng...” - cô Kim Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, một hoạt động bổ trợ mà cô Kim Anh đặc biệt tâm đắc là việc xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường. Cùng Ban Giám hiệu nhà trường, cô Kim Anh xây dựng quy trình đọc sách với các bước trước - trong - sau đọc sách cho học sinh. Mỗi em sẽ có nhật ký cho việc đọc sách. Không chỉ dừng lại ở việc đọc sách đơn thuần, sau quá trình đọc, học sinh sẽ có các sản phẩm sau đọc. Đó là các sáng tác nhạc, thơ, vẽ tranh, thuyết trình về nội dung cuốn sách, về nhân vật, về tác giả... tùy vào năng lực học sinh. 

Tại buổi lễ vinh danh Nhà giáo Thủ đô tiêu biểu năm 2018, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cô Kim Anh cho biết, chặng đường làm nghề giáo của cô là cả một quãng đường dài không ngừng tìm tòi, đổi mới và luôn hướng về mục tiêu thông qua môn Văn cùng các hoạt động trải nghiệm, học kỹ năng sống để hoàn thiện nhân cách học trò.