Đằng sau thương vụ kỷ lục nhà 5,6m2 giá 4,2 tỷ đồng ở Bắc Kinh

ANTD.VN - Đó là căn nhà nhỏ tại số 121 Lanman Hutong, cách Quảng trường Thiên An Môn và Tử Cấm Thành khoảng 10 phút đi xe. Nó đã sang tay vào ngày 11-11 với giá 1,28 triệu nhân dân tệ (tương đương 4,2 tỷ VND) sau 136 vòng đấu giá kịch tính.

Ngôi nhà bị chia nhỏ trong một con hẻm ở Bắc Kinh đó đã lập kỷ lục mới khi đem ra đấu giá, chỉ vì người mua háo hức muốn giữ địa chỉ tốt để có quyền đăng ký vào một số trường học tốt nhất của Thủ đô. Nó cũng là một dấu hiệu cho thấy vấn đề hộ khẩu ở Bắc Kinh vẫn rất nan giải.

Đằng sau thương vụ kỷ lục nhà 5,6m2 giá 4,2 tỷ đồng ở Bắc Kinh ảnh 1Mặt tiền căn nhà siêu nhỏ có giá tới 4,2 tỷ đồng ở Bắc Kinh

Có giá vì vị trí đắc địa

Với giá 230.000 NDT (tức 760 triệu VND) cho mỗi mét vuông, chủ sở hữu mới đã mua một khối 5,6m2 được lát gạch phòng tắm, diện tích đủ để kê chiếc giường tầng ở số 121 Lanman Hutong. Không gian đó còn chật hẹp hơn cả căn hộ siêu nhỏ khét tiếng ở Hồng Kông hay gọi là căn hộ nano, trung bình khoảng 18m2. Cuộc đấu giá đã thu hút 29 nhà thầu với giá khởi điểm từ 470.000 NDT. Giá trúng thầu cuối cùng khiến căn nhà ở Lanman cao hơn có trị giá mỗi mét vuông cao hơn 35% so với biệt thự trị giá 100 triệu NDT với tầm nhìn ra Cung điện mùa hè ở ngoại ô Bắc Kinh.

Không gian ở đó quá nhỏ hẹp nhưng vô cùng có giá vì địa chỉ của nó cho phép chủ sở hữu có một hộ khẩu Bắc Kinh, điều kiện tiên quyết để tiếp cận trường học, thủ tục hành chính, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày ở Thủ đô Trung Quốc.

Lanman Hutong nằm ở quận Tây Thành, một khu phố có hàng trăm ngõ hẹp ngoằn ngoèo nổi tiếng vì có tới 3 trong số 5 trường học được xếp hạng tốt nhất thành phố. Theo quy định về bất động sản của Bắc Kinh, chỉ cần sở hữu 1m2 cũng được cấp hộ khẩu. Điều đó đã khiến các gia đình lùng sục mua bất động sản trong khu vực này để đủ điều kiện gửi con đến các trường nổi tiếng như trường Trung học số 4 Bắc Kinh, có cựu học sinh là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc Trần Nguyên. Người dân địa phương cho biết, hầu hết các căn nhà “bé như chuồng chim” này hiện không có người ở mà chỉ phục vụ mục đích của chủ nhà. 

Thấp thoáng bong bóng đầu cơ 

Kết quả cuộc đấu giá nói trên cho thấy một góc bức tranh bong bóng đầu cơ đang gia tăng trong thị trường bất động sản tại Bắc Kinh, vốn đã thách thức các nhà hoạch định chính sách với nỗ lực kiểm soát hơn 2 năm qua. Giá trung bình của các ngôi nhà mới xây tại thành phố này tăng 4,3% trong tháng 10 lên 60.894 NDT/m2.

“Nhà ở Bắc Kinh luôn đắt đỏ, đặc biệt là ở Tây Thành, nơi chỉ những người cực giàu có mới có thể mua. Giá 1 triệu NDT được đánh giá là không hề đắt chút nào để tìm một căn ngay gần Tử Cấm Thành”, nhà phân tích Zhao Jia của công ty bất động sản Midland Bắc Kinh đánh giá. Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu và phát triển E-House Trung Quốc, giá nhà trung bình của Bắc Kinh tương đương với thu nhập trung bình của một người trong 24,9 năm. Trong khi ở Hồng Kông, trung tâm đô thị đắt đỏ nhất thế giới, một người trung bình phải bỏ ra 21 năm công sức lao động cật lực mới có thể mua được một căn nhà, mặc dù thành phố cũng tự hào về thu nhập cao hơn và mức thuế thấp hơn. “Một người bình thường không dễ dàng sở hữu tài sản ở Bắc Kinh. Đối với hầu hết các gia đình trong thành phố, 1 triệu NDT chỉ đủ cho khoản tiền đặt cọc”, chuyên gia của Midland Bắc Kinh nhận định.

Chưa hết, căn nhà ở 121 đường Lanman Hutong nằm giữa một cụm siheyuan, chỉ các ngôi nhà có sân truyền thống ở Bắc Kinh. Xe đạp, máy giặt cũ và rác khác trong gia đình được chất đống dọc theo mê cung của các con hẻm quanh khu vực này. Ông Zhang Dawei, một nhà phân tích tại Cơ quan tài sản Centaline cho rằng, người mua giấu tên có thể đón trước việc khu nhà sắp bị thu hồi giải phóng mặt bằng. “Điều này giống như một canh bạc khi đặt cược vào khoản bồi thường. Nếu may mắn, họ có thể bỏ túi khoản bồi thường gấp nhiều lần số tiền đã bỏ ra. Cho dù không bị phá ngay, việc sở hữu một tài sản ngay trung tâm Bắc Kinh cũng không phải là tệ”.