Đặc sản thịt chuột ở những vùng quê miền Bắc

ANTD.VN - Thịt chuột được người dân ở một số vùng quê phía Bắc sử dụng phổ biến và xem là đặc sản. Chế biến món ăn từ chuột là cả một bí quyết riêng của từ vùng, từ đời này truyền sang đời khác. Cùng ANTĐ điểm qua những địa chỉ mà người dân xem thịt chuột như đặc sản.

Hà Nội vào mùa thịt chuột: Đổ về Thạch Thất nhậu đặc sản

Theo Lao động, thịt chuột đồng được người dân các xã Canh Nậu, Dị Nậu (Thạch Thất - Hà Nội) xem là đặc sản hàng chục năm nay. Cứ từ tháng 9 đến hết tháng 12 (âm lịch), người dân địa phương lại lùng sục thứ đặc sản này.

Những con chuột thui rơm, màu nâu đen được bày bán, có giá từ 100 – 120.000 đồng/kg, đắt hơn hẳn thịt gà, thịt lợn

Từ mờ mờ sáng đến chạng vạng tối trên những cánh đồng mới gặt, các "thợ săn" lại cầm quốc, thuổng, bao tải đi săn chuột rất rôm rả. Sau khi bắt, chuột được mang về trần bởi nước nóng, cạo sạch lông, thui với rơm khô, rồi mang ra chợ làng bán.

 Tại chợ Canh Nậu, có nhiều sạp bán thịt chuột, mỗi sạp gom được chừng 5 - 10kg. Chỉ chưa đầy 2h, các sạp bán "đặc sản đồng ruộng" đã hết sạch.

Theo người dân, thịt chuột đồng vừa ăn ngon vừa diệt được mầm họa phá mùa lúa, giúp cho bà con thôn xóm có đảm bảo năng suất lúa

Thịt chuột không chỉ được các nhà hàng đặt mua, mà một số người ở Hà Nội và các vùng lân cận như Ba Vì, Vĩnh Phúc... cũng tìm đến đây để được thưởng thức món đặc sản này. Chuột sau khi sơ chế có thể chế biến thành những món ăn như thịt chuột giả cầy, chuột luộc, hấp, xào xả ớt...

Món thịt chuột hấp lá chanh. Ảnh: Zing

Theo kinh nghiệm của các "thợ săn", bắt chuột phải trông vào thời tiết: mùa khô, lạnh thì xuống thấp chọn chỗ nào gần bờ mương có nước để bắt; còn mùa mưa nhiều nước thì lên cao chuột chạy lên cao nhiều.

Thưởng thức thịt chuột Đình Bảng

Báo Doanh Nghiệp viết, nói đến thịt chuột, nhiều người sẽ có cảm giác ghê sợ, nhưng ở Đình Bảng đây lại được coi là đặc sản. Tuy không phổ biến như thịt chó, gà hay bò nhưng người dân Bắc Ninh vẫn sử dụng thịt chuột như một loại thức ăn thường ngày.

Không ít nhà còn bày trong mâm cỗ cưới món đặc sản này

Theo người trong làng, Đình Bảng săn chuột không phải để kiếm sống như nhiều nơi khác và thịt chuột cũng không phải là món ăn chỉ dành cho người nghèo. Nó xuất phát từ việc giúp mùa màng bội thu.

Ở Đình Bảng, người dân bắt chuột đồng để ăn quanh năm nhưng nếu muốn theo chân người làng đi săn chuột thì du khách nên tới đây sau vụ gặt bởi chuột nhiều và béo. Nếu đang hình dung về những chú mèo lang thang ngõ xóm thì khi bước chân vào làng, khách du lịch sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thay vì mèo, ở đây nhà nào cũng nuôi chó để bắt chuột.

Thịt chuột đồng có màu trắng và thơm ngon như thịt gà, được sử dụng như một nguyên liệu chính, kết hợp với các phụ gia để chế biến nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ. Trong đó, phổ biến nhất là thịt luộc ép lá chanh. Thịt luộc chín, vớt ra ép thớt cho chảy bớt nước mỡ, để vài giờ lấy ra chặt nhỏ, rắc lá chanh chấm với muối chanh tiêu, ăn sẽ giòn và đậm đà hơn thịt gà.

Món thịt chuột xào sả ớt.

Thông dụng không kém là món chuột đồng nấu đậu. Thịt được chặt thành miếng rang trên bếp với nước mắm đến khi dậy mùi thơm thì cho đậu phụ vào om, lúc bắc ra cho thêm ít hành răm ăn với bún.

Với những thực khách sành đồ nhậu, chuột xào xả ớt là món không thể bỏ qua khi đến Đình Bảng. Sau khi ướp tỏi, gia vị, ngũ vị hương, nước tương, thịt được xào trong chảo mỡ phi hành, tỏi và sả ớt giã nhuyễn. Khi chín múc ra đĩa, hương thơm của sả và vị cay nồng của ớt sẽ hòa quyện cùng vị béo ngậy của thịt, ăn lúc còn nóng thì có lẽ không món nào bằng.

Ở một số nơi thuộc Đình Bảng, chuột còn được thui vàng khi chế biến rất thơm và béo. Ảnh: Sổ tay du lịch.

Ngoài ra, chuột đồng còn được chế biến thành các món chuột nấu đông, chuột giả cầy, chuột rán, chuột xào chua ngọt hay sốt cà chua, khiến không ít người phải ứa nước miếng khi các món được bày ra trước mắt. Người dân ở Đình bảng cho biết, ăn thịt chuột đồng rất lành, có tác dụng mạnh khí, giảm đau, liền xương.

Ngày nay thịt chuột ở Đình Bảng tuy không còn thịnh như ngày trước khi có mặt ở nhiều nơi, nhưng những người sành ăn Hà Nội vẫn thường tìm về Đình Bảng để thưởng thức món ăn dân dã. Đến đây, không quá khó để tìm được hàng quán bán các món ăn từ chuột đồng ở các thôn Xuân Đài, Thịnh Lang, thôn Hạ, Thượng, Đình.

Hải Dương có chợ thịt chuột độc nhất vô nhị ở miền Bắc

VnExpress đưa tin, bắt đầu từ 15h chiều mỗi ngày, góc đầu chợ Cổ Dũng, xã Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương) tấp nập người mua, kẻ bán. Khoảng 30 con người chỉ bán mặt hàng duy nhất là những con chuột đồng thui vàng rộm, tuyệt đối không bán chuột sống.

Với người dân nơi đây, món thịt chuột gần như đã trở thành đặc sản, được đưa vào thực đơn đãi khách gần xa

Người dân Cổ Dũng thường lưu truyền câu chuột đồng 5 nếp để chỉ: chuột ăn lúa nếp; chuột thui rơm nếp; chuột hầm với gạo nếp; uống rượu nếp với thịt chuột và ăn thịt chuột với xôi nếp.

Chợ chuột Cổ Dũng chỉ họp tập trung vào 3 tháng cuối năm, tức thời điểm trong và sau khi vụ lúa mùa thu hoạch. Lúc này chuột đồng ăn nhiều lúa nên béo, thích vào hang tránh rét. Giá bán không hề rẻ, dao động 70-120 nghìn đồng/kg, có lúc tới 140.000/kg. 

Vì chuột đồng đắt khách nên rất nhiều nông dân trong xã đổ ra đồng đào bắt. Theo ông Thi, "khắc tinh" của chuột đồng nhiều năm nay, bắt loài gặm nhấm rất công phu và vất vả. Mỗi ngày ông bắt được khoảng 8-10 kg, có hôm trúng đậm được 17 kg. Nhiều hôm khan hàng, ông Thi chỉ cần mang chuột về nhà là có người đến tận nơi thu mua, không phải cất công mang ra chợ.

Món chuột đồng rang muối được người dân ở đây ưa thích. Ảnh: Zing.

Rất tự hào về góc chợ độc nhất vô nhị ở miền Bắc, ông Nguyễn Danh Mậu, Phó chủ tịch xã Cổ Dũng, cho biết việc bán chuột đồng ở chợ Cổ Dũng có từ xa xưa. Không chỉ người dân trong xã bán mà có cả người từ các xã lân cận. Có ngày cả nghìn con chuột được đưa ra, nhưng chỉ đến hết phiên là cũng hết chuột. 

Thái Bình: Ngôi làng “ghiền” ăn thịt chuột

Vốn nổi danh là đất lúa cho nên Thái Bình cũng là nơi sản sinh ra số lượng chuột đồng đông đảo. Từ loài gặm nhấm, phá hoại mùa màng này, người dân nơi đây sớm đã tận dụng chúng, biến thành những món ăn đặc sản mà nhiều khách phương xa lỡ có nếm thử một lần cũng bao phần thích thú.

Lao động viết, về làng Đồn Xá (Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình), khi được hỏi về món thịt chuột, đầu làng cuối xóm ai ai cũng tấm tắc khen lấy khen để.

Người dân ở đây cho biết: “Không có món gì ngon, thơm, đặc biệt, ăn nhiều cơm bằng món thịt chuột”

Đã rất lâu rồi, trong làng chẳng ai có thể nhớ nổi món ăn này xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết, đến nay nó đã trở thành món yêu thích và là “thương hiệu” của người dân Đồn Xá. Nhâm nhi chén rượu cùng bát chuột giả cầy thơm lừng, ông Nguyễn Văn Miên thao thao kể về món ăn “đệ nhất” này.

Ông cho biết, hơn 60 năm gắn bó với làng xóm cũng là từng ấy năm ông ăn và yêu thích món ăn này. Ông nhớ có lần từng hỏi cha mình về nguồn gốc của nó thì nhận được câu trả lời là cụ cũng chẳng biết món ăn này có từ bao giờ, từ xa xưa đã thấy dân làng ăn rồi. Chính ông cũng không lí giải được, vì sao thịt chuột lại thu hút lạ kì với mình và dân làng đến thế. Theo ông, nhà nào trong làng cũng thích ăn món này.

Bắt chuột cũng cần phải có nghệ thuật. Là người “có nghề” trong việc săn chuột, anh Trần Văn Điệp cho biết, chuột dễ bắt nhất vào tầm tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm. Khi ấy, đúng lúc thu hoạch vụ đông xong, chuột về mới nhiều và béo.

 “Nói không ngoa, nhưng mỗi lần có món thịt chuột là cả nhà luôn ăn đến miếng cuối cùng, kể cả gia vị”, anh Điệp kể. Món ăn từ thịt chuột rất đa dạng, từ luộc, hấp, rán, chiên ép lá chanh…, nhưng phổ biến nhất là chuột giả cầy hay còn gọi là món rượu mận.

Món thịt chuột khìa nước dừa. Ảnh: Nấu ngon.

 Chế biến món ăn từ chuột là cả một bí quyết riêng của làng, từ đời này truyền sang đời khác. Chuột sau khi được bắt về, làm sạch trong nước nóng tầm 800C, thui vàng ươm. Khâu mổ chuột rất quan trọng, nếu không bỏ được toàn bộ ruột, lá gan và đặc biệt “dái hoi” sẽ không có được món ăn ngon và chuẩn vị.

Gia giảm cho món chuột giả cầy cũng khá cầu kì với riềng, sả, khế chua, mùi tàu, mùi ta, hành tươi, hành khô, ngổ, lá sắn thuyền, ớt… Các gia vị sau khi rửa sạch, thái nhỏ, cho vào ướp cùng thịt từ 5 - 10 phút rồi mới cho lên bếp đun. Món chuột giả cầy muốn ngon nhất không thể thiếu mắm tôm và mỡ lợn. Anh Điệp bật mí thêm, thịt chuột ra nước nên không cần cho nước khi nấu, cứ đảo đều cho đến khi khô là được.

Vì là món ăn đặc biệt nên cách thưởng thức cũng không đơn giản. Muốn ngon, thịt chuột phải được gói ăn cùng lá mơ lông hoặc bánh đa nướng. “Thịt chuột ăn rất thơm, ngon, bùi mà không ngán. Đàn ông uống thêm rượu nữa thì không sơn hào hải vị nào có thể sánh được”, vừa kể anh Điệp vừa xuýt xoa.