Cục trưởng Cục ATTP: Không có chuyện tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam thấp hơn các nước

ANTD.VN - Liên quan đến vụ Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su của Việt Nam vì chứa axit benzoic - đây là chất mà Nhật Bản không cho phép có trong tương ớt còn tại Việt Nam thì vẫn được dùng – một số ý kiến băn khoăn liệu tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam thấp hơn quốc tế?

Thông tin về tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản đăng trên website của TP Osaka

Thông tin đến báo chí về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế khẳng định, không có chuyện tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam thấp hơn thế giới hay các tiêu chí bảo vệ sức khỏe ở Việt Nam được coi nhẹ hơn.

Lý do bởi tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam được xây dựng dựa theo tiêu chuẩn của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Hiện 189 quốc gia đang áp dụng theo tiêu chuẩn này, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ...

Theo đại diện Cục ATTP, tại Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý phụ gia thực phẩm, danh mục hơn 400 chất phụ gia trong 2 thông tư nói trên được xây dựng hoàn theo theo tiêu chuẩn Codex.

Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Việt Nam bị Nhật Bản thu hồi vì chứa axit benzoic - đây là chất mà Nhật không cho phép có trong tương ớt còn tại Việt Nam thì vẫn được dùng - bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng ATTP cũng lý giải, Nhật Bản và Việt Nam cùng là thành viên của Codex nhưng việc một số thành viên Codex có những quy định chặt chẽ hơn là do căn cứ vào thói quen, mức độ sử dụng sản phẩm của người dân tại quốc gia đó.

Trong tranh chấp thương mại, Codex được lấy làm tiêu chuẩn tham chiếu. Nếu tuân thủ theo Codex thì không phải đưa ra bằng chứng, nếu khác biệt với Codex, quốc gia đó phải đưa ra bằng chứng khoa học.

Các phụ gia thực phẩm muốn có mặt trong danh mục của Codex phải thông qua Uỷ ban phụ gia thực phẩm của tổ chức này, qua 8 bước đánh giá nghiêm ngặt về độ an toàn, cách sử dụng.