Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: "Doanh nghiệp không thừa nhận quảng cáo sai phạm, chúng tôi sẽ truy đến cùng"

ANTD.VN - Gần đây, cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo lừa dối người tiêu dùng trên internet. Thế nhưng “điệp khúc” chung là các đơn vị sản xuất ra các sản phẩm này đều không thừa nhận quảng cáo sai phạm đó do công ty họ thực hiện…

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong

Trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, hành vi quảng cáo sai phạm về thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên môi trường mạng Internet đang có xu hướng gia tăng.

Sai phạm thường gặp nhất là quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng có tác dụng như "thần dược", như thuốc chữa bệnh, hay thực hiện quảng cáo không đúng nội dung quảng cáo đã được cấp phép…

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, vừa qua Cục ATTP phát hiện trên các website: vuongkhi.com và nuoiconkheo.vn quảng cáo sản phẩm thực phẩm Bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng Khí sai quy định của pháp luật về quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Sản phẩm này của Công ty CP Phúc An Việt Nam (xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội). 

“Chúng tôi đã mời đại diện Công ty Phúc An Việt Nam đến Cục ATTP làm việc. Tuy nhiên, người được ủy quyền của công ty đến làm việc với Cục ATTP khẳng định, quảng cáo sản phẩm Cao lỏng Vượng Khí trên trang vuongkhi.com và nuoiconkheo.vn như thuốc chữa bệnh không phải do công ty họ thực hiện” - ông Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng.

Theo Cục trưởng Cục ATTP, tình trạng doanh nghiệp không thừa nhận hành vi quảng cáo như vậy là có thật. Thực tế, có những trường hợp không phải do công ty sản xuất thực hiện quảng cáo sản phẩm của họ mà có thể là do các đại lý, người bán sản phẩm của công ty đó tự thực hiện quảng cáo trên một số website, facebook…

“Tuy nhiên, thông thường, không ai hơi đâu mà tự dưng đi quảng cáo không công và quảng cáo sai phạm cho sản phẩm không phải của họ” - Cục trưởng Cục ATTP nêu quan điểm, đồng thời khẳng định, cơ quan chức năng sẽ truy đến cùng các sai phạm để xử lý. 

Một thông tin cảnh báo được đăng công khai trên website chính thức của Cục ATTP

Trở lại với ví dụ về trường hợp các website: vuongkhi.com và nuoiconkheo.vn quảng cáo sản phẩm Cao lỏng Vượng Khí của Công ty CP Phúc An Việt Nam có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, Cục đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp xác minh.

“Quản lý thông tin trên internet và môi trường mạng là thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì thế, chúng tôi đã có công văn đề nghị truy bằng được “tên miền” vuongkhi.com và nuoiconkheo.com do ai là người đăng ký, cũng như ai là người thực hiện quảng cáo sản phẩm Cao lỏng Vượng Khí như thuốc chữa bệnh trên 2 website này” – Cục trưởng Cục ATTP nói.

Song song với việc xác minh, Cục ATTP cũng đưa thông tin cảnh báo công khai rằng: “Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục ATTP - Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng Khí trên trang website/internet nêu trên”.

“Chúng tôi đưa cảnh báo như thế là đúng quy định pháp luật, để bảo vệ sức khỏe nhân dân” - ông Phong khẳng định.

Trả lời thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục ATTP cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có dấu hiệu vi phạm trên những trang web hay tài khoản facebook.

“Khi phát hiện ra các nội dung quảng cáo sai phạm, nếu xác định được chủ thể thực hiện quảng cáo sai phạm đó thì chúng tôi xử lý vi phạm hành chính ngay. Còn những trường hợp chưa xác định được chủ thể thì Cục ATTP sẽ thông báo để phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xác minh, xử lý. Nói như vậy có nghĩa là vụ việc vẫn chưa kết thúc” – ông Châu cho biết.

Được biết, năm 2018, Cục ATTP đã xử phạt vi phạm hành chính về sản xuất, kinh doanh thực phẩm hơn 6 tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng số tiền xử phạt về các hành vi quảng cáo thực phẩm chiếm đến hơn 4 tỷ đồng. Còn năm 2019, tuy chưa có số liệu đầy đủ nhưng tình hình vi phạm về quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, có xu hướng gia tăng.