Con ngoài giá thú mang họ cha phải chứng minh quan hệ huyết thống

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi xin hỏi, vì sao khi đi làm giấy khai sinh cho con (vợ chồng chưa có đăng ký kết hôn) thì phường lại yêu cầu phải có giấy xác nhận cùng huyết thống mới khai họ theo cha? Yêu cầu như vậy có đúng không? Nguyễn Việt Phú (Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:

Con ngoài giá thú mang họ cha phải chứng minh quan hệ huyết thống ảnh 1Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Khoản 2, Điều 26 - Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”.

Theo quy định nêu trên thì con sinh ra sẽ mang họ của cha theo tập quán và thông lệ chung. Con chỉ mang họ của mẹ nếu cha mẹ thỏa thuận như vậy hoặc nếu chưa xác định được cha. Đối với trường hợp của bạn, do vợ chồng bạn chưa có đăng ký kết hôn nên chưa có cơ sở để xác định bạn là cha của cháu bé. Do đó, cháu bé chưa thể được mang họ của bạn. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 15 - Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015: “Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống”.

Căn cứ những quy định pháp luật nêu trên, thế nên để có thể đăng ký khai sinh con theo họ của bạn, bạn phải làm thủ tục nhận con. Nếu thủ tục nhận con được thực hiện xong trước khi có giấy khai sinh thì khi đó con của bạn mới có thể mang họ của bạn. Còn nếu thủ tục nhận con được thực hiện xong sau khi có giấy khai sinh thì để con mang họ của bạn, bạn phải làm thủ tục thay đổi hộ tịch, tức là thay đổi họ của cháu bé trong giấy khai sinh (đang mang họ của mẹ chuyển sang họ của cha).

Con ngoài giá thú mang họ cha phải chứng minh quan hệ huyết thống ảnh 2Việc làm thủ tục nhận con được thực hiện theo quy định tại Điều 12 - Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16-11-2015 (Ảnh minh họa)

Việc làm thủ tục nhận con được thực hiện theo quy định tại Điều 12 - Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16-11-2015. Theo đó điều luật này quy định: “Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau”: 1. Hồ sơ gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định; Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch; Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này”. Hồ sơ làm thủ tục nhận con được nộp tại UBND xã, phường nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú.

Về chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Tóm lại yêu cầu của UBND phường về việc bạn phải cung cấp giấy xác nhận cùng huyết thống thì mới cấp giấy khai sinh cho con bạn mang họ của bạn là đúng quy định của pháp luật (do vợ chồng bạn không có đăng ký kết hôn).