Coi chừng dịch sởi quay trở lại

ANTD.VN - Hà Nội đã ghi nhận 45 ca dương tính với sởi, 1 ca tử vong, cao nhất tính từ vụ dịch năm 2014 và số mắc đang tăng trong vài tuần gần đây.
 

Bệnh nhân mắc sởi ở Hà Nội đang tăng, cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện có tới 32.634 trẻ ở thành phố chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi đúng kỳ sau 5 năm. Đây là số trẻ có nguy cơ mắc sởi rất cao và chỉ cần 10% trong số này mắc sởi thì “bóng ma” dịch sởi năm 2014 sẽ thực sự quay trở lại.

Mỗi tuần 4-5 ca mắc mới

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tính đến tháng 10-2017, toàn miền Bắc ghi nhận 99 bệnh nhân dương tính với sởi, rải rác tại 17 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội là địa phương có số mắc sởi cao nhất với 45 ca, chiếm gần 50% tổng số mắc ở toàn miền Bắc, trong đó đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. 

Đáng chú ý là có tới 43% số trẻ mắc sởi ở Hà Nội từ đầu năm đến nay là trẻ dưới 6 tháng tuổi và trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, tức là nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi đã mắc bệnh. PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh, đây là điều hết sức nguy hiểm. Một mặt do trẻ càng nhỏ, sức đề kháng yếu thì khi mắc bệnh càng dễ biến chứng nặng hơn. Mặt khác, việc có nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine đã mắc sởi khiến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng sẽ lớn hơn.

Phân tích kỹ hơn về diễn biến dịch sởi trên địa bàn Hà Nội thời điểm này, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tuy số lượng 45 ca mắc sởi chưa phải lớn song nếu so sánh từ năm 2010 trở lại đây, ngoài vụ dịch sởi rất lớn vào năm 2014 thì 2017 dù mới chỉ thống kê 10 tháng nhưng đã có số mắc cao nhất. Trước đó vào năm 2015, toàn thành phố chỉ có 39 ca mắc sởi, năm 2016 thậm chí chỉ có 3 ca dương tính với sởi và đều không có tử vong.

Hơn nữa, số bệnh nhân mắc sởi ở Hà Nội đang có xu hướng gia tăng trong 2 tháng trở lại đây, hiện trung bình mỗi tuần có thêm 4-5 ca dương tính mới. Riêng trường hợp tử vong do liên quan đến sởi tại Hà Nội vừa qua, TS Nguyễn Nhật Cảm thông tin, đó là một bé trai nhập viện mổ tinh hoàn, sau đó trong quá trình điều trị tại bệnh viện thì có sốt, được chẩn đoán mắc sởi và tử vong. 

Điều đáng lo ngại là số trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine sởi chưa đầy đủ trong 5 năm qua trên địa bàn Hà Nội rất lớn. “32.634 trẻ chưa được tiêm vaccine sởi có nguy cơ mắc sởi rất cao nếu dịch bùng phát. Chỉ cần 10% trong số đó mắc sởi thì tổng số ca mắc đã lên tới trên 3.200 bệnh nhân” - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố nhận định. 

Nhiều phụ huynh còn rất chủ quan

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên nhân khiến số lượng trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi chủ yếu vì trẻ phải hoãn tiêm do ốm đau, sức khỏe không đảm bảo khi đến lịch tiêm, hoặc do bệnh lý bẩm sinh. Song bên cạnh đó, vẫn có tới 11% trường hợp không tiêm vì phụ huynh không chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng, chủ quan không quan tâm hoặc quên lịch tiêm của trẻ… Đây là điều rất đáng cảnh báo bởi hiện tại, tiêm vaccine chính là biện pháp phòng sởi hữu hiệu nhất.

Để khắc phục tình trạng này, TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngay trong tháng 11 này, Hà Nội sẽ chỉ đạo rà soát lại đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố, tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi để xem những trẻ nào bỏ sót chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần cho các trẻ, song song với việc thực hiện tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế.

Cũng liên quan đến dịch bệnh này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, mùa Đông Xuân là thời điểm mà nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm, ho gà, viêm não virus, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, tay chân miệng, liên cầu lợn… có nguy cơ gia tăng, bùng phát, đặc biệt là dịch sởi.

Nhấn mạnh số mắc sởi ở Hà Nội đang gia tăng trong 2 tháng trở lại đây, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân Thủ đô cần đề phòng với dịch bệnh này. Hiện Cục Y tế Dự phòng đang chỉ đạo rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, nhất là nâng tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm não. 

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới và yêu cầu các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp cần huy động mọi biện pháp để nâng tỷ lệ tiêm phòng, hạn chế các “vùng lõm” tiêm chủng. “Để không tái diễn bài học đau lòng về dịch sởi xảy ra năm 2014 vừa qua, ngành y tế đã phối hợp cùng ngành giáo dục để tuyên truyền, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để đưa con mình đi tiêm phòng vaccine sởi đầy đủ” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.