Có thể bị xử lý hình sự khi nạo, phá thai trái phép

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Hiện nay có rất nhiều cơ sở lén lút hoạt động nạo, phá thai và nhiều người tìm đến. Xin hỏi luật sư, những hành vi này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Đào Ngọc Linh (quận Hà Đông, Hà Nội)

Có thể bị xử lý hình sự khi nạo, phá thai trái phép ảnh 1Vẫn tồn tại những cơ sở phá thai “chui”, lén lút hoạt động (Ảnh minh họa)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Các hành vi sau đây được coi là phá thai trái phép:

- Phá thai tại các cơ sở không đăng ký, không có giấy phép hoạt động hoặc đang bị đình chỉ hoạt động; dịch vụ phá thai không được ghi trong phạm vi giấy phép hoạt động; người thực hiện thủ thuật phá thai không có giấy phép hành nghề, không có bằng cấp hoặc có bằng cấp nhưng không đúng chuyên môn.

- Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai; cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác. (Quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Dân số năm 2003; được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP).

- Hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi. (tại phần 8, quy định về Phá thai an toàn của Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29-7-2016 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”).

Về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự, tại Điều 316 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định “Tội phá thai trái phép” như sau:

“1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: 

a) Làm chết người; 

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 

d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Có thể bị xử lý hình sự khi nạo, phá thai trái phép ảnh 2Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305- Toà nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Như vậy, hành vi phá thai trái phép phải gây ra hậu quả theo quy định hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi phá thai trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1, khoản 7 Điều 84 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.