Có quyền đề nghị xử lý và yêu cầu bồi thường khi bị mạo danh

ANTD.VN - Hỏi: Thời gian gần đây, anh trai của tôi bị ai đó sử dụng tin nhắn lên mạng xã hội - số điện thoại 10 số, không phải sim “rác - “kêu cứu” cơ quan chức năng vào cuộc, thông tin không đúng sự thật về quá trình công tác cũng như tài sản của anh tôi. Liệu tôi có thể đề nghị cơ quan chức năng xác minh, làm rõ người sử dụng số điện thoại trên? Người đưa tin không đúng sự thật liệu có phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ? Và trong trường hợp này, anh trai tôi nên làm gì để bảo vệ uy tín? Trung Trung Dũng (quận Hà Đông, Hà Nội)

Có quyền đề nghị xử lý và yêu cầu bồi thường khi bị mạo danh ảnh 1Mạo danh người khác qua dịch vụ viễn thông với mục đích xấu có thể bị phạt tù (Ảnh minh họa) 

Trả lời: 

Thời gian gần đây, rất nhiều người dùng điện thoại đã và đang bị những tổ chức, cá nhân không quen biết nhưng lại có đầy đủ thông tin cá nhân của người khác để sử dụng cho mục đích của họ như: nhắn tin quảng cáo, mời chào mua bảo hiểm, nhà đất, trúng thưởng… Thậm chí là còn có cả những cuộc gọi từ ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc từ cá nhân rao bán hàng hóa, mạo danh trong khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ánh sự việc không đúng sự thật như trường hợp của anh bạn. Tình trạng này hiện vẫn diễn ra khá nhức nhối mà chưa có dấu hiệu chấm dứt và chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, khiến người dùng điện thoại luôn cảm thấy bị quấy rầy. 

Sự việc trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trước tiên là do hệ thống pháp luật của chúng ta quy định về vấn đề này còn chưa đầy đủ, việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng cũng chưa được quy định cụ thể, rồi chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin cũng như dịch vụ viễn thông thì việc truyền bá thông tin càng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn... Hiện, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân. 

Có quyền đề nghị xử lý và yêu cầu bồi thường khi bị mạo danh ảnh 2

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Cụ thể, Điều 38 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Tương tự, “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.

Trong giao dịch dân sự thì “Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”… Trường hợp họ sử dụng thông tin cá nhân của anh bạn mà anh bạn chứng minh được hành vi ấy gây ra thiệt hại thì anh bạn có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường. 

Ngoài ra, Điều 159 - Bộ luật Hình sự năm 2015 “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” quy định về chế tài đối với các hành vi tương ứng. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Đó là chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Và phạm tội với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Cùng với hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với trường hợp của anh bạn, bị người khác dùng thông tin để mạo danh trong việc kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo nên anh bạn có quyền đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp về hành vi của người mạo danh. Bạn cũng có quyền yêu cầu xem xét, xử lý người mạo danh nếu anh bạn ủy quyền và nếu việc mạo danh đó gây thiệt hại thì anh bạn có quyền yêu cầu người mạo danh phải bồi thường theo quy định.