Cơ hội cho 104.000 học sinh Hà Nội đã tốt nghiệp Trung học cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn 1 tuần nữa học sinh Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi hết sức căng thẳng để tìm cho mình một suất vào lớp 10. Ngoài 62% số học sinh lớp 9 vào được trường công lập thì số còn lại sẽ còn những cơ hội nào để tiếp tục đầu tư cho tương lai.

Cơ hội cho 104.000 học sinh Hà Nội đã tốt nghiệp Trung học cơ sở ảnh 1Đề thi vào lớp 10 năm nay được xây dựng dựa trên cơ sở bám sát chỉ đạo về điều chỉnh tinh giản kiến thức, kỹ năng, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Giảm 15.000 học sinh tranh suất vào công lập

Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập 2020 chỉ có 89.000/104.000 học sinh đăng ký dự thi. Như vậy có khoảng 15.000 học sinh không đăng ký dự thi, con số này tăng hơn 5.000 em so với năm học trước. Điều này góp phần làm giảm ít nhiều áp lực cho cuộc đua vào trường công lập của Hà Nội khi nhiều học sinh đã lựa chọn sớm xét tuyển vào những THPT ngoài công lập vốn có phương án xét tuyển từ kết quả học tập rèn luyện bậc THCS.

Được biết, kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay của Hà Nội đã dành khoảng 20.000 chỉ tiêu vào các trường ngoài công lập. Đáng chú ý là với quy định tự chủ trong phương án tuyển sinh thì trong tổng số 105 trường công lập tự chủ tài chính và tư thục, chỉ có 12 trường xét tuyển lớp 10 dựa vào kết quả thi, còn 91 trường xét tuyển bằng học bạ THCS, 2 trường sử dụng kết hợp cả 2 phương thức xét điểm và xét học bạ. Như vậy, việc đỗ vào các trường ngoài công lập đã được phụ huynh và học sinh chủ động biết trước khi dự thi kỳ thi chung tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội. Ông Phạm Văn Đại -  Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhận định: “Với tỷ lệ 62% số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào trường THPT công lập, trong khi có gần 89.000 học sinh dự thi, thì có 65.000 học sinh đỗ. Như vậy là tỷ lệ đỗ rất lớn, phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng trước kỳ thi này”.

Cơ hội lấy 2 bằng với học sinh không vào THPT

Cũng trong mùa tuyển sinh năm nay, ông Phạm Quốc Toản cho biết, toàn thành phố có 7% học sinh có nguyện vọng dự xét tuyển vào Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Số còn lại đăng ký theo học ở 38 trường trung cấp nghề có tuyển học sinh học hết THCS. Xu hướng theo học các trường nghề đang tăng dần bởi phù hợp với nhu cầu thực tế của những học sinh có nhu cầu làm việc sớm.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch phân luồng nên các trường Trung cấp và Cao đẳng nghề phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên của Hà Nội đã triển khai việc tuyển sinh học sinh lớp 9 để vừa đào tạo nghề vừa học 7 môn văn hóa để thi tốt nghiệp THPT. Như vậy học sinh được cấp song bằng Trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp THPT. Chia sẻ về mô hình đào tạo này, ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho biết, hiện nay nhà trường đang thực hiện mô hình đào tạo học song song Trung cấp nghề và văn hóa THPT giảm tải. Sau 2 năm, các em lấy bằng Trung cấp và có thể tiếp tục liên thông lên bậc Cao đẳng, Đại học để rút ngắn thời gian đào tạo. Đây được xem là hướng đi hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS nhằm đảm bảo kiến thức văn hóa, chuyên môn và có bằng tốt nghiệp Trung cấp để liên thông lên trình độ cao hơn.

Đánh giá ưu thế của mô hình học nghề so với học THPT, ông Vinh cho biết, nếu các em chọn phương án là từ THCS lên THPT, sau đó mới học Trung cấp thì thời gian sẽ dài hơn, phải đến 4-5 năm các em mới có thể tốt nghiệp THPT và có bằng Trung cấp, học phí sẽ mất nhiều hơn. Nhưng nếu học theo mô hình của giáo dục nghề nghiệp thì các em tốt nghiệp THCS theo học 2 - 3 năm sẽ cùng lúc học cả văn hóa và Trung cấp nghề, rút ngắn thời gian học liên thông Cao đẳng, Đại học. Một đặc điểm nữa của mô hình này là học sinh có thể rút ngắn thời gian tiếp cận việc làm, bởi trong quá trình học nghề các em đã có thể tiếp cận doanh nghiệp, phong cách làm việc của doanh nghiệp, cũng như đã có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp. Đặc biệt với thay đổi trong đào tạo nghề hiện nay, học viên sẽ được tiếp cận các kỹ năng hành nghề, thực tế lao động sản xuất trong quá trình học. Trước kia, phần kỹ năng mềm trong dạy nghề chưa được chú trọng nhiều, nhưng bây giờ những chương trình về khởi nghiệp, về kỹ năng mềm, về làm việc nhóm, về ngoại ngữ... đều được các trường chú trọng và đào tạo để nâng cao chất lượng học viên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nhân lực. 

Học sinh cần bình tĩnh, tập trung để hoàn thành bài thi tốt nhất

Bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên nhấn mạnh, kỳ thi lớp 10 năm nay của Hà Nội sẽ có thay đổi trong cách ra đề. Đề thi được xây dựng dựa trên cơ sở bám sát chỉ đạo về điều chỉnh tinh giản kiến thức, kỹ năng, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể là: Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung không dạy, không làm, không thực hiện, khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện. Do vậy học sinh có thể yên tâm và không quá lo lắng về mức độ khó của đề thi năm nay. “Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ bước vào kỳ thi, các em cần nâng cao kỹ năng làm bài tự luận và trắc nghiệm, có thể làm các bài thi thử mà các trường THCS đã tổ chức theo đúng thời gian quy định, đồng thời tìm hiểu nắm chắc chắn các quy định về tổ chức kỳ thi để tránh mắc lỗi không đáng có” - bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Về hình thức thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, thí sinh sẽ làm các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút. Sẽ có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc: 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm sẽ được chấm bằng phần mềm máy tính. Riêng môn Ngoại ngữ thí sinh được chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật. Thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở. Điểm xét tuyển của học sinh là tổng điểm thi môn Toán và môn Ngữ văn (hệ số 2), cộng với điểm thi môn Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Điểm bài thi của các môn tính theo thang điểm 10. Lưu ý, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ xét tuyển đối với học sinh có đủ số bài thi quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả thi và không có bài thi nào bị điểm 0.

 “Với tỷ lệ 62% số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào trường THPT công lập, trong khi có gần 89.000 học sinh dự thi, thì có 65.000 học sinh đỗ. Như vậy là tỷ lệ đỗ rất lớn, phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng trước kỳ thi này”.

Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội