Cô giáo phạt học sinh quỳ trước lớp: "Thực lòng tôi không hề muốn phạt học sinh"

ANTD.VN - Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 15-5, ông Nguyễn Văn Thược, Hiệu trưởng trường THCS Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, việc cô giáo Lê Thị Quy phạt học sinh quỳ trước lớp vẫn đang trong quá trình xác minh.

Bố mẹ “nhờ vả” cô giáo phạt học sinh

“Chúng tôi đang triển khai công tác xét tốt nghiệp THCS cho học sinh lớp 9. Cô giáo Lê Thị Quy, là giáo viên chủ nhiệm lớp 9B hiện đang nghỉ dạy theo quyết định tạm đình chỉ 1 tuần và làm bản tường trình sự việc.

Sau khi cô Quy có giải trình cụ thể thì chúng tôi mới báo cáo xin ý kiến, và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật như thế nào là quyền của các cấp căn cứ vào những quy định hiện hành” - ông Thược cho biết.

Bị đình chỉ, chờ xử lý kỷ luật, cô Lê Thị Quy cho rằng đây là bài học xương máu

Được biết, cô giáo Lê Thị Quy tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Hà Tây, đi làm từ năm 1994. Cô Quy bắt đầu tiếp nhận lớp 9B từ đầu năm học này. Về sự việc vừa xảy ra, cô Quy khẳng định khi phạt học sinh theo hình thức này, cô đã biết là sai nhưng vì phụ huynh tha thiết nhờ cô phạt con để con tiến bộ nên cô đã thực hiện.

Cô Quy cảm thấy bất lực với không ít học sinh hiếu động, nghịch ngợm của lớp, dù đã sử dụng rất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau nhưng không mấy hiệu quả. Ngoài động viên, nhắc nhở, cô Quy cũng áp dụng các hình phạt như quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa.

Cá biệt, trong lớp có 5 học sinh dù đã được cô giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng ý thức và sự tiến bộ rất chậm. Để có biện pháp giáo dục tốt hơn, cô Quy đã tổ chức gặp phụ huynh của 5 học sinh này để bàn cách giúp các em tiến bộ

“Thực lòng tôi không hề muốn phạt học sinh, phạt các em tôi được lợi gì? Nhưng các phụ huynh đề nghị đều là người trong địa phương, ở xung quanh nhà tôi. Người ta cứ tha thiết đề nghị giúp như thế nên tôi đồng ý giúp đỡ họ để mong các cháu tiến bộ” - cô Quy tâm sự.  

Cô Quy khẳng định chỉ làm điều này khi phụ huynh đề nghị và cũng chỉ với những học sinh được bố mẹ “nhờ vả”. Nhóm này gồm 5 phụ huynh, trong đó có mẹ của nam sinh quỳ trong bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.  

Sự việc xảy ra từ tháng 1 nhưng hiện nay phụ huynh mới khiếu nại và đưa lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc về cách xử lý của giáo viên. “Với tôi đây là bài học xương máu” – cô Quy khẳng định.

Nên thông cảm với cô giáo 

Biện pháp bắt học sinh quỳ của cô Quy đã được khẳng định là sai nhưng sự việc ở đây đồng thời cho thấy vấn đề bất lực và thiếu đồng nhất trong cách giáo dục giữa giáo viên và phụ huynh. Chị Nguyễn Mai Hương, phụ huynh học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rẳng, nên thông cảm với cô giáo khi bản thân nhiều bố mẹ cũng bất lực trong việc thuyết phục con cái nếu không có những  hình thức xử phạt nặng.

“Ở đây, cần thấy cô giáo thực sự “bó tay” trong cách thức giáo dục và cần sự hợp tác của gia đình trong việc giáo dục con cái. Khi phụ huynh đề xuất hình thức phạt con mình như vậy thì chứng tỏ cả 2 bên đều không tìm được biện pháp giáo dục phù hợp.

Sự khập khiễng trong phối hợp giữa gia đình và nhà trường gây hậu quả nghiêm trọng hơn khi cô giáo thực hiện theo đúng đề xuất của phụ huynh thì phụ huynh lại bất bình và cho là chỉ nói chứ không ngờ cô làm thật dẫn tới khiếu nại, làm tổn thương lẫn nhau.

Điều này cần xem xét vai trò nhà trường, của ngành giáo dục cần có thêm các chương trình giao lưu phụ huynh với các chuyên đề về phương pháp giáo dục con em… chứ không thể giao phó toàn bộ cho giáo viên” – chị Hương nhấn mạnh.

Trước những đánh giá tiêu cực về hành động phạt học sinh quỳ của cô giáo Quy, ông Nguyễn Văn Thược, Hiệu trưởng trường THCS Tô Hiệu cho rằng, sự việc không chỉ là bài học cho cô Quy mà cũng là bài học cho nhà trường và các giáo viên khác trong việc xử lý học sinh vi phạm.

Cô Quy là giáo viên có 25 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy. Cô thực hiện biện pháp này với mong muốn để học sinh của mình tiến bộ vì lớp 9B của cô có nhiều học sinh hay nói chuyện trong giờ học, thiếu tập trung dù đang ở giai đoạn nước rút trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới của Hà Nội.

“Cô giáo Quy là người rất tâm huyết với học trò. Sự việc này chỉ do phương pháp, cách xử lý tình huống sư phạm chưa tốt” – ông Thược phân tích.

Ông Thược cũng cho rằng trước sự thay đổi của học sinh hiện nay về tâm tính lứa tuổi thì sự thay đổi của giáo viên về phương pháp dạy học, xử lý tình huống sư phạm còn chưa kịp thời.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín cho rằng, hiện nay, giáo viên có tâm lý lo lắng trước việc giáo dục học sinh khi hơi một chút có vấn đề gì đều bị đưa lên mạng, bị truyền thông phê phán.

Điều này đang ảnh hưởng không ít đến tinh thần giáo viên. Cơ quan quản lý cần có biện pháp như tập huấn kỹ năng xử lý trong các giờ học trên lớp.