Cô giáo phạt học sinh kiểu "hạ nhục": Muốn phạt đúng, cũng cần phải nghĩ!

ANTD.VN - Sau hàng loạt vụ việc tiêu cực liên quan tới ngành giáo dục trong thời gian qua, gần đây, dư luận tiếp tục xôn xao với hình phạt bắt học sinh quỳ gối sát bục giảng của một cô giáo ở ngoại thành Hà Nội, hay sự việc nữ giáo viên ở Hải Phòng đánh, tát liên tiếp vào học sinh khi các em đang làm bài kiểm tra. Trong những vụ việc đó, có thể thấy những người thầy, người cô đã lựa chọn hình phạt theo kiểu dễ dãi, ít phải nghĩ, để rồi dẫn tới hệ quả nặng nề hơn, là trở thành "hạ nhục" các em đang ở độ tuổi lắng nghe mọi điều từ cuộc sống.

Hình ảnh một học sinh nam cấp 2 quỳ gối gần bục giảng ở một trường THCS tại ngoại thành Hà Nội đã lan truyền chóng mặt trong thời gian qua. Rất nhiều ý kiến tranh luận đã được đưa ra. Và như ở mọi cuộc tranh luận từng có trước đó, luôn có 2 luồng ý kiến đối đầu nhau.

Nếu coi đây là một hình phạt "bình thường", không đau đớn, thì sự răn đe mà giáo viên nhắm tới là gì, ngoài việc "hạ nhục" một học sinh?

Luồng ý kiến thứ nhất phản đối hình phạt đó, bởi cho rằng đó là hành vi "làm nhục" người khác, cần phải tránh, nhất là khi người chịu hình phạt đó là các em học sinh đang ở độ tuổi mới lớn.

Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ hình phạt thì cho rằng, lời dặn muôn thuở "yêu cho roi, cho vọt" luôn đúng đắn. Họ tin hình phạt đó không có gì nặng nề tới mức phải làm quá lên như vậy, và nếu không phạt thì các em học sinh sẽ hư, lớn lên trong sự vô tổ chức, vô kỷ luật... Và những người trong luồng ý kiến này không quên dẫn lại kỷ niệm xưa, với những hình phạt khó quên của các thầy cô giáo, để chứng minh một điều: Nhờ bị phạt nghiêm khắc mà họ (hoặc những người họ chứng kiến) trưởng thành, có đạo đức và nhận thức xã hội tốt như hiện nay.

Tôi đã đứng ngoài cuộc tranh luận này khá lâu, để giữ bản thân như một người quan sát với góc nhìn độc lập và khách quan nhất có thể. Và tôi đã nhận ra những điều bất hợp lý, để từ đó có quan điểm rõ ràng về vấn đề này.

Vụ bạo hành tập thể học sinh một cách khó tin diễn ra trong lớp học. Ai dám khẳng định nhờ "đòn roi" này mà các em học sinh ngoan ngoãn, chững chạc hơn?

Thứ nhất, những người đi theo luồng ý kiến ủng hộ hình phạt quỳ gối dường như đã "lạc đề". Họ tin rằng những hình phạt là cần thiết, bởi nếu giáo viên không có hình thức kỷ luật phù hợp, học sinh sẽ phát triển theo hướng vô tổ chức, tiêu cực. Tôi cũng ủng hộ điều đó, nhưng ở đây đang là cuộc tranh luận về loại hình phạt nào là phù hợp, loại nào có thể "hạ nhục" học sinh, chứ không phải cuộc tranh luận: Nên phạt hay là không.

Thứ hai, vẫn có những người cho rằng, hình phạt quỳ gối có thể chấp nhận được, không có gì "hạ nhục" như dư luận đang làm quá lên. Với những người đó, tôi đã thử đặt câu hỏi với họ: Nếu giờ đứng trước 2 lựa chọn chịu phạt trước đám đông, một là bị đấm, hai là bị phun nước bọt vào mặt, thì chọn cái nào?

Đa số lựa chọn phương án 1, dù sự đau đớn lớn hơn phương án 2 rất nhiều. Tại sao lại như vậy? Vì ở phương án 2, người ta cảm thấy bản thân bị hạ nhục.

Việc phải quỳ gối trước mặt giáo viên, trước ánh mắt của các bạn bè đồng trang lứa, trước máy ảnh của một học sinh tò mò, nghịch ngợm, để rồi sau đó có thể bị mang ra trêu đùa, chế giễu, thì không thể bao biện gì hơn, ngoài việc chỉ đích danh đó là một hình phạt có tính hạ nhục!

Và chắc chắn điều đó khó mang lại tác dụng tích cực, khi người phải nhận hình phạt là những học sinh đang ở độ tuổi "tự ái lên cao" - thay vì cảm hóa hoặc dùng những hình phạt khoa học, thì giáo viên lại dùng cách đáng tránh nhất.

Giọt nước mắt của cô giáo bạo hành hàng loạt học sinh đã rơi, nhưng đằng sau đó là cả một vấn đề không thể chỉ giải quyết bằng án kỷ luật. Ảnh: M.L

Tôi thấy trong cuộc sống, người ta thường có xu hướng chọn cái dễ để làm. Đương nhiên, vì dễ thì đỡ phải nghĩ nhiều, đỡ tốn công. Có lẽ, trong vụ việc phạt học sinh quỳ gối, hay những hình phạt khó tưởng tượng khác trong môi trường giáo dục, một bộ phận những người làm thầy, làm cô, cũng đã chọn cái dễ như thế.

Họ dùng hình phạt do thế hệ trước truyền dạy, hoặc do tự họ nghĩ ra, rất đơn giản, tới mức dễ dãi! Nhưng họ quên mất rằng, hệ quả từ hình phạt đó có thể ảnh hưởng thế nào tới học sinh của họ, và tương lai các em đó. Từ đây, những hình phạt có tính chất "hạ nhục" ra đời...

Bởi thế, tôi tin rằng, cái gì cũng cần phải học, kể cả việc đưa ra hình phạt. Phạt là đúng và cần thiết, để rèn các học sinh tuân thủ kỷ luật. Nhưng phạt thế nào cho đúng, có tính răn đe, hiệu quả, và không hạ nhục học sinh, thì cần phải nghiêm túc đầu tư suy nghĩ.

Video clip cô giáo tiểu học ở trường Quán Toan (Hải Phòng) đánh học sinh:

Khi tôi viết những dòng này, thì dư luận lại đang sôi sục phẫn nộ trước một sự việc bức xúc khác trong ngành giáo dục. Một cô giáo dạy học sinh tiểu học ở Hải Phòng đã đánh, mắng, tát liên tiếp các em nhỏ trong giờ kiểm tra.

Cứ mỗi chi tiết không vừa mắt, cô giáo này lại tát, mắng, chỉ trỏ, thậm chí mang cả thước xuống để "điều trị" một trường hợp khó tiếp thu. Qua video clip ghi lại, có thể thấy sự sợ hãi của những học sinh bị đánh, sự tò mò của những người bạn trong lớp... Tất cả làm nên thứ hình phạt dễ dãi đầy tác hại đã được đề cập ở trên.

Những quyết tâm cải cách giáo dục từng được hô hào trước đây, hóa ra chẳng ở đâu xa! Trong số những thứ cần được cải cách, phải nói tới tư duy phạt học trò sao cho đúng và hiệu quả của các giáo viên. Đến chuyện dùng hình phạt nào để không trở thành "hạ nhục" các em, mà thầy cô không phân định được, thì câu chuyện dạy làm người bao giờ mới trọn vẹn?