Chuyên gia nói về đề xuất "giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng

ANTD.VN - Các chuyên gia đánh giá đề xuất "giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng kết hợp với phương án phát triển du lịch, giao thông thuỷ của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là táo báo, có căn cứ nhưng phải nằm trong giải pháp tổng thể chứ không phải "chìa khóa" cho bài toán khó lâu nay...

Sau khi hồ Tây dừng xả nước vào, nước sông Tô Lịch lại đen ngòm, cá chết nhiều

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước) cho biết, vừa trình UBND thành phố đề xuất giải cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng; lãnh đạo thành phố đang giao cho các Sở ngành liên quan xem xét theo quy định. 

Cụ thể, theo phương án đề xuất, đơn vị  sẽ xây dựng trạm bơm cố định được đặt ở sát mép sông tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng, gồm 4 máy bơm chìm công suất 2.500 m3/h, trong đó 3 máy bơm làm việc thường xuyên.

Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua đê vào mương tiêu cạnh Công viên nước hồ Tây. Công ty Thoát nước đã xả nước thử nghiệm vào các ngày 12 và 13/9 trong thời gian khoảng 16 giờ. Mực nước hồ Tây giảm 11 cm và nước sông Tô Lịch đã được cải thiện, có màu xanh của nước hồ và không còn mùi hôi.

Theo Công ty Thoát nước, phương án đề xuất sẽ nằm trong giải pháp tổng thể bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống hai bên sông để thu gom nước thải, giúp sông Tô Lịch không còn nguồn ô nhiễm.

Phó Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Phan Hoài Minh lý giải, khi đã thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt 2 bờ sông Tô Lịch thì sông vẫn sẽ thiếu nước, không có dòng chảy, do vậy Công ty đề xuất TP xem xét phương án bổ cập nước từ sông Hồng.

Kinh phí thực hiện dự án sẽ được kêu gọi xã hội hóa. Sau này Nhà nước chỉ phải trả chi phí vận hành trạm bơm.

Ông Minh thông tin thêm, sông Tô Lịch  với chiều dài 14 km chạy qua 5 quận, huyện là tiềm năng tốt để khai thác vận tải công cộng đường thủy. Công ty cũng đề xuất thành phố xây dựng đập ở cuối nguồn sông Tô Lịch, giúp điều tiết nước trên sông đạt độ cao nhất định, từ đó tàu thuyền và xe buýt đường thủy có thể lưu thông. Khi sông Tô Lịch hàng ngày được bổ cập nước sạch từ sông Hồng, có dòng chảy lưu thoát, tạo cảnh quan, Hà Nội có thể phát triển được một tuyến buýt đường thủy giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường bộ.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ đẩy phần chất bẩn xuống hạ lưu, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, lãnh đạo Công ty Thoát nước cho rằng, khi nước sông Hồng được điều tiết vào sông Tô Lịch thường xuyên thì sẽ pha loãng nguồn ô nhiễm, giảm thiểu mùi.

Ngoài ra, khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành và trong tương lai có hệ thống cống thu gom nước thải hai bên sông Tô Lịch thì nguồn nước ô nhiễm sẽ được kiểm soát, không ảnh hưởng đến đời sống người dân…

Liên quan đến đề xuất này, TS. Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam nhận định: “Việc xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch chưa thể xử lý được ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, chúng ta cần phải làm tuần tự. Đầu tiên, cần xử lý ô nhiễm sông và sau đó mới đưa nước vào sông".

GS, TS Trương Thanh Lượng, nguyên chủ tịch Hội đồng khoa học trường Đại học Thủy lợi, đánh giá phương án này khả thi khi bơm nước ở hồ Tây vào sông Tô Lịch, qua đó khôi phục được dòng chảy sông như trước đây.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (chuyên gia môi trường của Công ty tư vấn KNĐ) thì cho rằng, đề xuất này nên là phương án bổ trợ sau khi đã thu gom xử lý nước thải 2 bên sông Tô Lịch.

“Vừa rồi chúng ta bơm nước thì nước sông Tô Lịch xanh mát, nhưng dừng bơm thì nước lại đen ngòm, thậm chí cá chết khá nhiều. Chưa kể việc đẩy các chất bẩn vào sông Nhuệ là việc không nên.

Theo tôi, sau khi nước sông Tô Lịch được xử lý ô nhiễm thì mới áp dụng phương án này để thực hiện việc vận tải thủy. Ý tưởng về buýt đường sông là rất táo bạo và khả thi”.