Chủ nợ không được tự ý đến nhà người vay tiền bắt nợ đồ đạc

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Vừa qua bạn tôi tên T có vay anh H một khoản tiền, sau đó do chưa có tiền trả nên nhiều lần khất nợ. Cuối cùng anh H cho người đến nhà, bắt nợ chiếc sập gụ của gia đình bạn tôi. Xin hỏi luật sư, như thế, hành vi của anh H có vi phạm pháp luật hình sự?Trần Hải Linh (quận Đống Đa, Hà Nội)

Hành vi của anh H, cho người đến nhà anh T bắt nợ chiếc sập gụ là trái pháp luật (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời: 

Vụ việc này, phải xác định là quan hệ dân sự, trong đó anh T là “con nợ” và anh H là “chủ nợ”. Nhiều lần anh H đến đòi tiền, nhưng anh T đều khất nợ, như vậy không thể hiện hành vi trốn tránh. Nếu kéo dài không đòi được tiền, anh H có thể khởi kiện anh T ra tòa, mới là đúng qui định của pháp luật. 

Nội dung câu hỏi của bạn không nêu rõ việc anh H cho người đến nhà bắt nợ chiếc sập gụ của gia đình anh T như thế nào, nên có thể chia ra hai trường hợp sau.

Trường hợp 1: Nếu anh H cho người đến sử dụng vũ lực hoặc đe dọa “con nợ” để lấy tài sản, bắt nợ (chiếc sập gụ của gia đình anh T) thì có dấu hiệu phạm tội Cướp tài sản. 

Hành vi này được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015: "1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm".

Trường hợp 2: Anh H lén lút lấy tài sản, mà anh T không biết thì có dấu hiệu phạm tội Trộm cắp tài sản. Tôi danh và hình phạt được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”.

Luật sư Trần Hoàng Hà (Công ty Luật TNHH Quang Vượng; Địa chỉ: Số 6, ngõ 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)

Để xác định hành vi của chủ nợ (ở đây là anh H) có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn phụ thuộc vào việc đánh giá hành vi vi phạm của người thực hiện. Nếu người lấy tài sản hiểu biết thấp, hành vi tuy có dấu hiệu phạm tội nhưng chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội thì có thể được xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự.