Chủ động ứng phó không để mưa bão gây hậu quả nghiêm trọng

ANTD.VN - Chưa có năm nào thời tiết lại diễn bất bất thường như năm nay. Sau những ngày nắng nóng cực điểm kéo dài, dự báo trong mùa mưa bão tác động và ảnh hưởng sẽ rất khó lường. Ngay từ lúc này, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, các phương án phòng ngừa hạn chế thấp nhất những tác hại của mưa bão ảnh hưởng đến TTATGT.

Phối hợp nhịp nhàng, phát huy “4 tại chỗ”

Chuyện khó tin nhưng đầu tháng 5 tiết trời lại lạnh như mùa đông nhưng sau đó, nắng nóng với nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C kéo dài nhiều ngày liền. Giữa mùa hè, hoa sữa nở rộ khắp thành phố. Nhiều cơ quan chức năng dự báo, năm 2019 sẽ là năm nắng nóng nhất trong lịch sử.

Đi cùng với nắng nóng kèm theo đó sẽ là các cơn bão mạnh, mưa lớn cục bộ và các loại hình thiên tai tự nhiên khác cũng sẽ xuất hiện với tần suất cao, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực tế đã chứng minh, mưa bão, cây đổ đã gây sập đổ, sạt lở các công trình, hạ tầng giao thông và đòi hỏi phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện, tiền bạc cho công tác cứu hộ, cứu nạn, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động đi lại, đời sống nhân dân.

CSGT giúp dân trong mưa khi đường ngập gây ảnh hưởng đến việc đi lại

Mục đích cao nhất của CATP Hà Nội nói chung và Phòng CSGT cũng như các đơn vị nghiệp vụ nói riêng, đó là trong bất cứ hoàn cảnh thời tiết nào, đều đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trong nước và quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao...diễn ra trên địa bàn Thủ đô được an toàn, thông suốt. Chủ động nắm chắc tình hình, có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp liên quan đến TT ATGT do thiên tai gây ra. Đảm bảo cho mọi hoạt động về giao thông được an toàn, thông suốt, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ nhân dân Thủ đô đi lại, sinh hoạt trong mùa mưa bão năm 2019.

Thông tin với PV, chỉ huy Phòng CSGT, CATP Hà Nội khẳng định: Phòng CSGT sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ, Quân đội và các lực lượng chức năng khác thực hiện hiệu quả các biện pháp phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Từ chỉ huy và đến từng CBCS đều thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả mọi tình huống thiên tai, sự cố góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt, bão gây ra.

Chủ động trong các phương án

Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Đội phó Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Phòng CSGT phối hợp với các cơ quan chức năng vận động nhân dân tuân thủ theo sự phân luồng hướng dẫn giao thông của lực lượng CSGT, cơ quan chức năng trong trường hợp phải tổ chức sơ tán khi xảy ra các tình huống thiên tai, thảm họa. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung điều tra cơ bản những điểm, tuyến, có khả năng bị ảnh hưởng bởi mưa, bão, ngập úng từ đó xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý hiệu quả.

CSGT đường thủy tăng cường tuần tra xử lý vi phạm trên các tuyến sông Thủ đô

Khi có thông báo bão, lũ, mưa lớn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực trung tâm Hà Nội, các Đội CSGT phụ trách các tuyến đường huyết mạch tăng cường công tác TTKS, duy trì TTGT, hỗ trợ việc đi lại của nhân dân và công tác di dân khi có chỉ đạo. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, lực lượng an ninh duy trì trật tự khu vực xung quanh các trạm bơm, các điểm, tuyến phục vụ việc phân lũ, chậm lũ theo chỉ đạo của Ban Phòng chống lụt bão Trung ương và Thành phố.

Căn cứ vào địa bàn phụ trách, các Đội CSGT số 8 đến 12, 15 chủ động phối hợp với lực lượng Công an các huyện: Thanh Trì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Phúc Thọ, Ứng Hoà, Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Công an thị xã Sơn Tây xây dựng, triển khai Phương án đảm bảo TT, ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh; có phương án phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố, các tình huống ngập đường, sạt lở đường, sập cầu, cây đổ… làm ảnh hưởng đến TT, ATGT, an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đảm bảo quân số ứng trực, sẵn sàng phương tiện để tổ chức phân luồng, hạn chế các phương tiện vào trung tâm thành phố Hà Nội và hỗ trợ, giúp đỡ nhân nhân khi xảy ra các tình huống ngập úng, lụt, bão, thiên tai khác khi có lệnh.

Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó Trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: Các Đội CSGT đường thủy, sẽ tập trung phối hợp với các cục nghiệp vụ, Sở Tài nguyên - Môi trường, chính quyền các địa phương giáp ranh với Hà Nội, Công an các quận, huyện, thị xã, các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm tra, bắt giữ và xử lý các hành vi khai thác cát trái phép, sai phép (tập trung ở tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống), nhất là những điểm có nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, đê, kè, các công trình trọng điểm, để đề xuất các biện pháp xử lý trước mùa mưa lũ.

Tất cả các phương án, kế hoạch phòng chống mưa bão, thiên tai đã được CATP Hà Nội xây dựng, triển khai

Phòng CSGT cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch về “Mở đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Chủ động phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; xử lý nghiêm các vi phạm về vận chuyển hành khách, các phương tiện thủy không bảo đảm đủ điều kiện an toàn lưu thông đặc biệt trong điều kiện thời tiết, dòng chảy bất lợi. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện thủy phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.