Chiếm đoạt dây chuyền vàng giả có phạm tội không?

ANTD.VN - Hoàng Trọng B. là học sinh lớp 1, hàng ngày B. thường được bố đưa đón đi học. Khoảng 17h ngày 25-1, sau khi tan học, trong khi B. đang đứng ở cổng trường chờ bố đến đón thì Trần Quốc Tùng (SN 1990) thấy B. đeo 1 sợi dây chuyền nên lại gần bắt chuyện làm quen. 

Nội dung vụ việc

Trong lúc Tùng liên tiếp hỏi B. một số câu hỏi với nội dung: “Cháu bao nhiêu tuổi? Cháu học lớp nào? Cô giáo cháu tên gì? Nhà cháu ở đâu?… thì Tùng nhiều lần xoa đầu cháu B. rồi bất ngờ tháo sợi dây chuyền màu vàng đeo trên cổ cháu. Sau khi đạt được mục đích, Tùng lập tức rời đi. Tuy nhiên, khi Tùng đem chiếc dây chuyền vừa lấy được của cháu Hoàng Trọng B. tới cửa hàng vàng bạc để bán thì phát hiện ra đó là dây chuyền vàng giả. 

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này Trần Quốc Tùng có phạm tội không, nếu có thì phạm tội gì?

 Ý kiến bạn đọc 

Trần Quốc Tùng không phạm tội

Trong vụ việc này nếu hành vi của Trần Quốc Tùng vi phạm pháp luật thì sẽ thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu. Theo quy định của pháp luật, những tài sản thuộc quyền sở hữu bao gồm những tài sản thể hiện dưới dạng vật, tiền, giấy tờ có giá trị tài sản.

Trong khi đó, ở vụ việc này chiếc dây chuyền mà cháu Hoàng Trọng B. đeo trên cổ sau đó bị Trần Quốc Tùng chiếm đoạt được xác định là dây chuyền vàng giả nên không có giá trị về tài sản. Do vật mà Trần Quốc Tùng chiếm đoạt không phải là tài sản nên hành vi của Tùng không phạm phải những tội thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, vì vậy Trần Quốc Tùng không phạm tội.

Nguyễn Quang Hưng (Ân Thi - Hưng Yên)

Tội cướp giật tài sản

Hành vi của Trần Quốc Tùng đã phạm tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 136, Bộ luật Hình sự. Căn cứ theo nội dung vụ việc này có thể thấy, trong lúc tìm cách tiếp cận, hỏi chuyện cháu Hoàng Trọng B., Tùng đã bất ngờ tháo sợi dây chuyền đeo trên cổ cháu B. rồi sau đó bỏ đi. Việc làm này của Tùng được thực hiện một cách công khai trước cổng trường nơi cháu B. học và trước mặt cháu B.

Như vậy, hành vi của Tùng mang đầy đủ những dấu hiệu của tội cướp giật tài sản - đó là lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc có thể tự mình tạo ra những sơ hở để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Do đó đủ cơ sở để khẳng định Trần Quốc Tùng đã phạm tội cướp giật tài sản.

Vũ Thu Hà (Đoan Hùng - Phú Thọ)

Không bị xử lý hình sự

Căn cứ vào nội dung vụ việc, hành vi của Trần Quốc Tùng đã phạm vào tội trộm cắp tài sản theo Điều 138, Bộ luật Hình sự. Khi hỏi chuyện rồi xoa đầu cháu Hoàng Trọng B., Tùng đã có ý thức về việc gây mất cảnh giác cho cháu B. rồi lén lút chiếm đoạt tài sản là chiếc dây chuyền vàng của cháu. Điều này đã đủ yếu tố để cấu thành hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên căn cứ theo khoản 1, Điều 138, Bộ luật Hình sự, đặt giả thiết nếu Tùng chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản mà chưa được xóa án tích thì Tùng sẽ không bị xử lý hình sự vì tài sản trong vụ việc này là chiếc dây chuyền vàng giả nên giá trị thực tế của nó sẽ dưới mức pháp luật quy định (từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng).

Đoàn Quốc Trung (Phủ Lý - Hà Nam)

 Bình luận của luật sư 

Trước hết, trong vụ việc này phải khẳng định hành vi của Trần Quốc Tùng đã vi phạm pháp luật. Theo quy định của pháp luật, khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Trong trường hợp sai lầm về khách thể (sai lầm về khách thể là sự hiểu lầm của chủ thể về tính chất của quan hệ xã hội mà hành vi của họ xâm hại tới), người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội có khách thể mà họ cố ý định thực hiện hoặc tội có khách thể bị xâm hại thực tế nếu họ có lỗi vô ý.

Trong trường hợp cụ thể của vụ việc này, về mặt ý thức chủ quan của Trần Quốc Tùng thì Tùng cho rằng sợi dây chuyền vàng của cháu B. là thật và cố ý chiếm đoạt sợi dây chuyền đang trong sự quản lý của cháu Hoàng Trọng B. Vì vậy, hành vi phạm tội của Tùng vẫn thỏa mãn các dấu hiệu phạm tội.

Về ý kiến cho rằng Trần Quốc Tùng phạm tội cướp giật tài sản, căn cứ theo Điều 136, Bộ luật Hình sự tội cướp giật tài sản, các dấu hiệu pháp lý của tội này về hành vi phạm tội là phải có 2 dấu hiệu để phân biệt với hành vi chiếm đoạt của tội phạm khác, đó là dấu hiệu công khai và nhanh chóng.

Thứ nhất, dấu hiệu công khai vừa chỉ tính chất khách quan của hành vi chiếm đoạt vừa thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội. Hành vi được coi là công khai nếu hình thức thực hiện cho phép chủ tài sản có khả năng biết hành vi này xảy ra. Trong vụ án này, Trần Quốc Tùng đã không muốn em Hoàng Trọng B. phát hiện ra hành vi chiếm đoạt của mình nên giả vờ xoa đầu rồi tháo một sợi dây chuyền vàng đeo trên cổ cháu B.

Thứ hai, dấu hiệu nhanh chóng phản ánh thực hiện hành vi chiếm đoạt của người cướp giật tài sản. Đó là thủ đoạn lợi dụng sơ hở của chủ tài sản (sơ hở này có thể là sẵn có hay do người phạm tội tạo ra) nhanh chóng tiếp cận, chiếm đoạt tài sản và lẩn tránh. Thông thường hình thức nhanh chóng chiếm đoạt có thể là giật lấy tài sản, giành lấy tài sản và nhanh chóng tẩu thoát.

Với thủ đoạn này, chủ tài sản không kịp có điều kiện phản ứng ngăn cản việc chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, Trần Quốc Tùng đã thực hiện hành vi lén lút để tháo sợi dây chuyền của cháu B. nên cháu B. hoàn toàn không biết để phản ứng, ngăn cản việc làm của Tùng. Do đó có thể khẳng định Trần Quốc Tùng đã không phạm tội cướp giật tài sản.

Căn cứ vào nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định Trần Quốc Tùng đã phạm tội trộm cắp tài sản. Theo quy định của pháp luật, hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản có hai dấu hiệu phân biệt với hành vi chiếm đoạt của các tội phạm khác. Đó là dấu hiệu lén lút và tài sản đang có chủ. Theo đó, lén lút là dấu hiệu có nội dung trái ngược với công khai.

Dấu hiệu này vừa chỉ đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt vừa chỉ ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi đó. Hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà người chủ tài sản không biết có hành vi chiếm đoạt khi nó xảy ra.

Về tài sản đang có chủ là tài sản đang trong sự chiếm hữu của người khác, nghĩa là đang nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm hoặc tài sản còn trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản.

Để đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa, đã làm chủ được tài sản hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt. Đối với vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi là chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản đó trong người. 

Trong vụ án này, vật mà Trần Quốc Tùng chiếm đoạt là sợi dây chuyền - một vật nhỏ, dễ cất giấu trong người. Như vậy, tội trộm cắp tài sản của Tùng đã hoàn thành khi Tùng giấu được dây chuyền trong người. Hành vi chiếm đoạt tài sản của Tùng lén lút không cho cháu Hoàng Trọng B. biết bằng cách liên tiếp hỏi chuyện cháu B.

Trong lúc hỏi chuyện, Tùng giả vờ xoa đầu cháu B. rồi tháo sợi dây chuyền đeo trên cổ cháu B. Tài sản là chiếc dây chuyền đang có chủ - sợi dây chuyền đang trong sự chiếm hữu của cháu B., nghĩa là đang nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của cháu B.

Từ những phân tích trên ta có thể khẳng định Tùng đã lén lút chiếm đoạt sợi dây chuyển vàng của cháu B. và hành vi phạm tội của Tùng thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tội trộm cắp tài sản.

Có ý kiến cho rằng theo khoản 1, Điều 138, Bộ luật Hình sự, nếu trường hợp Tùng chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản thì Tùng sẽ không bị xử lý hình sự vì chiếc dây chuyền mà Trần Quốc Tùng chiếm đoạt là sợi dây chuyền giả.

Theo nội dung vụ việc, có thể khẳng định lỗi của Trần Quốc Tùng là lỗi cố ý trực tiếp, thể hiện qua việc Tùng biết tài sản chiếm đoạt là tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác nhưng vẫn mong muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình.

Căn cứ vào hướng dẫn tại mục 2, Phần II, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự thì: “Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm”.

Dựa vào hướng dẫn trên, cần xác định giá trị của chiếc dây chuyền vàng giả mà Tùng chiếm đoạt tương đương với giá trị của chiếc dây chuyền vàng thật rồi xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tùng về tội trộm cắp tài sản.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)