"Chất nhờn ma quái": Nguy cơ bỏng và vô sinh do các món đồ chơi độc hại

ANTD.VN - Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ ngộ độc liên quan đến món đồ chơi “Chất nhờn mà quái” đang được trẻ em rất yêu thích. Tuy nhiên, đây không phải là món đồ chơi độc hại duy nhất mà các bậc phụ huynh nên cảnh giác để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.

“Chất nhờn ma quái” hay còn gọi là Slime được các học sinh ở nhiều địa phương, đặc biệt là học sinh cấp tiểu học và THCS rất ưa thích, do có nhiều màu sắc bắt mắt và có thể sử dụng để chế tác thành nhiều hình thù theo ý thích của người chơi.

Nếu Slime được chế tạo từ những chất tự nhiên như bột thực phẩm, hồ dán, kem đánh răng, màu thực phẩm… thì sẽ an toàn. Đối với các nhà sản xuất đồ chơi trẻ em có uy tín thì họ sử dụng những hóa chất chuẩn, trên hộp đồ chơi có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần cấu tạo rõ ràng, nên sẽ không độc hại. Loại này có giá khá cao, trên 100.000 đồng/hộp.

Trong khi đó, Slime được bán hàng rong trước cổng trường thì phần lớn do người bán hàng tự chế từ kinh nghiệm bản thân hoặc tự chỉ dẫn nhau chế tạo, có giá thành rất rẻ, nên thu hút được nhiều học sinh. Chất nhờn dẻo trong đồ chơi Slime chứa thành phần độc hại có thể gây dị ứng, bỏng, ảnh hưởng tới hệ thần kinh và sinh sản người dùng.

Trước đó trong 2 ngày 13-9 và 18-9, tại trường THCS Bình Tân đã có 38 học sinh của các lớp 6/1, 6/2 và 8/2 bị choáng, nhức đầu, buồn nôn, mệt, mặt mũi nhợt nhạt. Tất cả các học sinh đều được đưa đến Trạm y tế xã Bình Tân cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực Gò Công (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) điều trị. Các em học sinh khẳng định đã không sử dụng thức ăn lạ, mà chỉ mua món đồ chơi làm bằng chất dẻo mà các em hay gọi là “chất nhờn ma quái” do những người lạ mặt bán trước cổng trường, đem vào trường chơi và sau đó bị dị ứng.

Clip: Trẻ em có thể bị bỏng vì đồ chơi “chất nhờn ma quái”

Nguồn: VTV24

Tuy nhiên, không chỉ riêng Slime, mà hiện có nhiều món đồ chơi thân thuộc khác với trẻ em cũng tiềm ăn những nguy cơ về sức khỏe. Sau đây là một số món đồ chơi mà các bậc phụ huynh nên tránh mua cho con em mình.

Hạt nhựa nở

Theo kết quả nghiên cứu từ Phòng Kiểm nghiệm nhựa công nghiệp của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, các hạt nhựa màu của Trung Quốc thực chất là hạt trương nở. Khi hút no nước, thể tích của nó có thể tăng tới 300 - 400 lần. Loại hạt này sử dụng hợp chất polyacryamit rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã lên tiếng cảnh báo, nếu hạt nhựa này lọt vào đường hô hấp, khi gặp nước giãn nở ra sẽ khiến trẻ bị tắc khí quản, có thể dẫn tới tử vong.

Hạt nhựa nở lọt vào đường hô hấp có thể khiến trẻ tắc khí quản

Vòng đeo tay, nhẫn được làm từ hạt nhựa

Sản phẩm bộ trang sức Trung Quốc dành cho bé gái với nhẫn, vòng được làm từ các loại hạt nhựa và dây quấn đã bị thu hồi tại một số quốc gia, tuy nhiên, ở Việt Nam nó đang được bày bán tràn lan và rất thu hút các trẻ em gái. Nếu các bé chơi mà không có sự kiểm soát của người lớn sẽ vô cùng nguy hiểm, bởi trẻ có thể nuốt chúng vào bụng.

Trang sức đồ chơi từ Trung Quốc rất nguy hiểm nếu trẻ không may nuốt vào bụng

Đồ chơi hình lựu đạn

Những gói đồ chơi lạ có hình lựu đạn cũng không mua cho trẻ vì thường có hóa chất gây nổ có chứa Sodium bicarbonate, có thể gây khó thở, co giật, ngất xỉu. Hóa chất acid Citric nếu bắn vào da có thể gây kích ứng da và niêm mạc mắt.

Đồ chơi hình lựu đạn thường chứa hóa chất gây nổ, có thể gây khó thở.

Đồ chơi phát sáng

Đèn lồng, đồ chơi phát sáng của Trung Quốc có giá rẻ, rất hút mắt trẻ, nhưng rất độc bởi chúng thường được làm từ nhựa tái chế, có chất phthalate, dễ ảnh hưởng đến thị giác và sức khỏe trẻ em. Những món đồ chơi lậu đang được bày bán trên thị trường có chứa chất làm tăng độ dẻo, độ bền của nhựa có khả năng biến đổi hoóc-môn, ảnh hưởng đến hệ sinh sản, gây dị tật đến cơ quan sinh dục của trẻ.

Đồ chơi phát sáng của Trung Quốc thường rất độc do làm từ nhựa tái chế

Thú nhún

Món đồ chơi thú nhún cũng không nên mua, bởi chúng có chứa chất gây vô sinh, dậy thì sớm ở trẻ nhỏ. Singapore đã cấm triệt để đồ chơi này, trong khi cơ quan y tế của Việt Nam cũng phát hiện được nồng độ chất dẻo phthalate cao bất thường, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe trẻ nhỏ trong loại đồ chơi này.

Đồ chơi thú nhún có chứa chất gây vô sinh

Bóng bay nhiễm chất độc hại

Bóng bay trẻ thích thổi chơi được làm từ mủ cao su, kèm nhiều phụ gia khác độc hại như chất tạo màu, lưu huỳnh… Để bóng bay được, người ta bơm khí hydro - tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe trẻ nhỏ. Vì vậy, không nên cho trẻ tiếp xúc gần bình khí hydro, hay cầm và thổi bóng.

Bóng bay chứa nhiều chất nguy hại đến sức khỏe

Kẹo thổi bong bóng

Kẹo thổi bong bóng là một ống dài dẹt hai đầu, thổi thành hình bong bóng trong suốt đẹp mắt. Mùi keo hăng như mùi sơn, ngửi nhiều là bị chóng mặt, đau đầu. Người ta có thể cho thêm Glycerin tỷ lệ đậm đặc để có độ dai bong bóng. Hóa chất này ngấm vào cơ thể sẽ gây phản ứng tức thì như dị ứng, mẩn ngứa... với người mẫn cảm, và có thể ngấm dần vào cơ thể làm hỏng hệ thống miễn dịch.

Hóa chất Glycerin trong bong bóng sẽ gây dị ứng khi ngấm vào cơ thể

Cách chọn đồ chơi an toàn cho trẻ

-Khi chọn đồ chơi cho con, nên lưu ý tới xuất xứ của sản phẩm, tới nhãn mác của chúng để kiểm tra xem chúng có được dán tem chứng nhận quy chuẩn của Việt Nam, hoặc một loại kiểm định chất lượng khác của thế giới hay không, ví dụ như tiêu chuẩn Mỹ (ký hiệu ATMS) hoặc tiêu chuẩn châu Âu (ký hiệu CE).

-Cảnh giác với những đồ chơi nhựa phảng phất mùi hóa chất, khét nặng, giòn, dễ gãy, nhiều tạp chất nổi hẳn trên bề mặt lạ, vì chắc chắn rằng đồ chơi này không đảm bảo quy trình sản xuất.

-Nên chọn những đồ chơi bằng gỗ không sơn, đồ chơi bằng vải thay cho đồ nhựa. Nhớ thận trọng với đồ chơi gỗ đã sơn màu, trừ phi nó đã được chứng nhận là màu sơn không độc hại và không chứa chì.

- Không mua hoặc cho con dùng đồ chơi bằng nhựa cũ - những thứ được sản xuất trước năm 2010 - ngay cả khi chúng có có giá thành rẻ hơn trên thị trường hoặc bé yêu thích đến mấy.

- Đồ chơi bằng nhựa an toàn thường được dán nhãn PVC-free và BPA-free. Nếu nhãn có kí tự "Số 3", "Số 7" hoặc "V" thì không nên mua cho con.

-Người lớn phải giám sát khi cho trẻ nhỏ chơi đồ chơi bằng chất dẻo, chơi xong cần rửa tay sạch sẽ, tuyệt đối không cho vào miệng nếm thử. Phụ huynh nên quy định thời gian bé được chơi mỗi lần, không nên chơi quá lâu mà 15-30 phút là hợp lý.