Cấp tập tuyển hàng nghìn giáo viên Tin học, Tiếng Anh cho chương trình phổ thông mới

ANTD.VN - Môn Tiếng Anh và Tin học ở bậc tiểu học đang thiếu tới hơn hơn 11.000 giáo viên. Trong khi đó, một số môn lại đang thừa giáo viên.

Cấp tập tuyển hàng nghìn giáo viên Tin học, Tiếng Anh cho chương trình phổ thông mới ảnh 1Cả nước đang thiếu khoảng 5.600 giáo viên Tin học

Để chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, Bộ GD-ĐT đã rà soát thực trạng điều kiện về đội ngũ giáo viên  hiện nay và dự báo nhu cầu khi thực hiện chương trình mới. Theo Bộ GD-ĐT, nhu cầu về giáo viên các cấp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới không có sự biến động nhiều so với số giáo viên hiện có. Tuy nhiên, với một số môn mới đưa vào chương trình sẽ phải tuyển mới hoàn toàn.

Giáo viên tiếng Anh, Tin học “lên ngôi”

Theo số liệu rà soát của Bộ GD-ĐT, đối với bậc tiểu học, cả nước đang thiếu khoảng 5.610 giáo viên dạy tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học. Để đáp ứng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, Bộ khuyến cáo mỗi năm cần tuyển bổ sung khoảng 2.000 thầy cô với mỗi môn học này.

Thực tế, hiện nay, với chương trình hiện hành, môn tiếng Anh vẫn bị phản ánh là thiếu giáo viên, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… môn tiếng Anh được triển khai từ lớp 1 thay vì từ lớp 3 theo chương trình bắt buộc của Bộ GD-ĐT do xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh. Việc học tiếng Anh tăng cường này dù không bắt buộc nhưng được áp dụng ở hầu hết các trường tại Hà Nội và các trường buộc phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy tiếng Anh cho học sinh trong trường.

Kết quả rà soát của Bộ GD-ĐT cho thấy, sẽ có biến động khá phức tạp về số lượng giáo viên thừa và thiếu ở các bậc học. Khái quát chung ở các cấp học thì lượng giáo viên thừa nhiều nhất là ở bậc THCS, THPT và ở bậc tiểu học thì vừa thừa, vừa thiếu.

Ở bậc THCS, với môn Tin học, chương trình hiện hành là môn tự chọn nhưng khi chuyển sang chương trình mới là bắt buộc. Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần rà soát để xác định giáo viên đã được tuyển dụng, giáo viên hợp đồng để có phương án tuyển dụng ngay từ năm học 2018 - 2019.

Ở bậc THPT, khi triển khai chương trình giáo dục mới sẽ có thêm 2 môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật nên theo tính toán của Bộ GD-ĐT, mỗi năm, bậc học này vẫn cần tuyển thêm khoảng 2.700 giáo viên mỗi môn.

 “Các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng giáo viên cần tuyển theo nhu cầu từng năm, ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học và tiếng Anh, Tin học còn thiếu, hạn chế hoặc không tuyển các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, vì các môn học này giáo viên tiểu học đã được đào tạo để dạy”, đại diện Bộ GD-ĐT khuyến cáo.

Biến động phức tạp ở các bậc học 

Kết quả rà soát của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, sẽ có biến động khá phức tạp về số lượng giáo viên thừa và thiếu ở các bậc học. Khái quát chung ở các cấp học thì lượng giáo viên thừa nhiều nhất là ở bậc THCS, THPT và ở bậc tiểu học thì vừa thừa, vừa thiếu.

Bậc tiểu học đang có 397.000 giáo viên. Khi triển khai chương trình mới ở lớp 1, năm học 2019-2020, sẽ thừa khoảng 4.700 giáo viên và sẽ thừa thêm gần 5.000 giáo viên vào năm học 2020-2021. Tuy  nhiên, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, bậc học này lại thiếu giáo viên. Đối với bậc học này, bình quân mỗi năm có 2% giáo viên nghỉ hưu, tương đương với 7.940 giáo viên. Như vậy, số được tuyển mới bổ sung hàng năm sẽ khoảng 3.970, cộng với mỗi năm tuyển mới khoảng 3.900, tăng quy mô, trung bình mỗi năm sẽ tuyển mới khoảng hơn 7.000.

THCS là bậc học có số giáo viên thừa nhiều nhất. Hiện bậc học này có gần 311.000 giáo viên. Trong 4 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc học này, số giáo viên dôi dư mỗi năm từ hơn 4.000 đến trên 6.000 giáo viên. Đến năm học 2023-2024, khi chương trình mới triển khai đến hết cấp học này, tổng số giáo viên dôi dư lên đến 21.663.

Bậc THPT cũng sẽ thừa 4.508 giáo viên vào năm học 2021-2022 trong tổng số 150.700 giáo viên hiện tại. Bậc học này thừa thêm 8.895 giáo viên vào năm học 2022-2023, năm học 2023-2024 thừa 8.874 giáo viên.