Tổng kiểm soát phương tiện trên cả nước:

Cảnh báo tình trạng mua bán giấy phép lái xe giả trên mạng

ANTD.VN - Cục CSGT (Bộ Công an) cảnh báo, tình trạng mua bán tràn lan Giấy phép lái xe (GPLX) giả trên mạng xã hội có diễn biến phức tạp, nhất là khi CSGT cả nước đang thực hiện tổng kiểm tra, kiểm soát phương tiện.

 

Trước những diễn biến phức tạp trở lại của tình hình TTATGT khi nới lỏng giãn cách xã hội, Cục CSGT đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ từ 15/5 đến 14/6. Sau 5 ngày triển khai, có hàng trăm nghìn phương tiện vi phạm đã bị CSGT phát hiện, xử phạt.

Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng phát hiện trên các trang mạng xã hội tràn ngập những thông tin như: “làm GPLX giá rẻ” hoặc “làm GPLX lấy ngay”, “bao thi đậu GPLX”… một số người dân do nhẹ dạ đã chuyển tiền cho những đối tượng này và khi kiểm tra, CSGT đã xử lý nghiêm đối với các vi phạm.

Nhiều GPLX giả đã bị lực lượng CSGT phát hiện, thu giữ

Theo Cục CSGT, tại điểm g, khoản 3, Điều 37 - Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật, hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Ngoài ra, theo khoản 14, điều 33, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định trong việc sử dụng và quản lý GPLX: “Người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống GPLX, còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại GPLX, phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu”.

Đối với việc sử dụng GPLX giả, theo quy định của Điều 21, Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển mô tô sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa, GPLX không hợp lệ (GPLX có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống quản lý GPLX) bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng và bị tịch thu GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa, GPLX không hợp lệ.

Đối với người điều khiển ô tô sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa, GPLX không hợp lệ (GPLX có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống quản lý GPLX) bị phạt tiền từ 4- 6 triệu đồng và cũng bị tịch thu giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa, GPLX không hợp lệ.

Để tránh bị lừa, người dân khi có nhu cầu được cấp GPLX nên đến các cơ sở chính thống để học và thi sát hạch một cách nghiêm túc, bởi đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc khi tham gia giao thông mà còn đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.